Bắt kịp xu hướng mới trong tiến trình chuyển đổi số

NDO - Trước bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của công nghệ tài chính - Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh 4.0.
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm số trên ứng dụng Techcombank Mobile
Trải nghiệm số trên ứng dụng Techcombank Mobile

Năm nay, một trong những xu hướng cơ bản ảnh hưởng đến việc ưu tiên đầu tư và tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, đó là sự tăng trưởng liên tục trong việc sử dụng và kỳ vọng của khách hàng về ngân hàng số. Một xu hướng khác cũng đang nhận được sự quan tâm, là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML),…

Đổi mới công nghệ số, gia tăng tiện ích

Để theo kịp với dòng chảy số hóa, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở,... Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong ba, bốn năm qua).

Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML),.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm-dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp nhu cầu, hành trình khách hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Đáng chú ý, khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, đến nay có tới 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile. Tùy thuộc vào quy mô, khả năng tài chính cũng như nguồn lực mà mỗi ngân hàng sẽ có mức độ chuyển đổi số khác nhau. Nhưng đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số và nỗ lực tạo sự khác biệt cho sản phẩm số giữa các ngân hàng thương mại.

Theo chia sẻ của ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, thời gian qua, ngân hàng đã liên tục đầu tư mạnh mẽ vào các năng lực số hóa và dữ liệu, cung cấp những công cụ thông minh giúp mỗi cá nhân hay doanh nghiệp hoạch định và quản lý tài chính một cách toàn diện, từ đó hiện thực hóa những mục tiêu trong cuộc sống và trong phát triển kinh doanh.

Đến nay, khoảng hơn 90% các giao dịch của khách hàng Techcombank được thực hiện qua kênh số, với tỷ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%. Riêng trong quý 1/2023, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 424.000 khách hàng mới, trong đó, 68% đến từ những nền tảng số. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý I/2023 của Techcombank cũng tăng 22,5% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 238,4 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 2,1 triệu tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, tính tới tháng 4/2023, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tự thực hiện mở tài khoản online toàn diện đã tăng 7 lần so thời điểm tháng 1/2023.

Còn tại ngân hàng Agribank, bên cạnh mô hình ngân hàng số (Agribank Digital) đang triển khai, hiện ngân hàng này đang thử nghiệm và sẽ triển khai theo lộ trình ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch. Theo ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc Agribank, với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn, Agribank luôn tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá. “Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và gia tăng sự hài lòng của khách hàng”, ông Tô Đình Tơn chia sẻ.

Tăng cường bảo mật trên nền tảng số

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như mang đến trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn, giảm chi phí vận hành của ngân hàng, nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã đạt vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, đứng đầu về an toàn thông tin. Đồng thời, 99% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến hoàn toàn và hơn 50% nhiệm vụ trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành.

Bắt kịp xu hướng mới trong tiến trình chuyển đổi số ảnh 2

Trải nghiệm dịch vụ Agribank E-Mobile banking

Về mặt kiến tạo thể chế, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn chia sẻ, trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cũng đang trong tiến trình hoàn thiện Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi); trình Chính phủ các Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định cơ chế quản lý có kiểm soát Fintech trong hoạt động ngân hàng, tạo tiền đề cho ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyển đổi số.

Dù ngành ngân hàng đã và đang đạt những kết quả đáng khích lệ, song để có thể giữ ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, ngành Ngân hàng cần có những hạt nhân mang tinh thần thử nghiệm, trải nghiệm.

Muốn làm được điều này, việc đầu tiên là cần chú trọng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý phát triển ngân hàng số.

Trước mắt, ưu tiên các quy định liên quan đến thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tháo gỡ các vướng mắc trong quy định hiện tại, rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành ngân hàng; rà soát văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu; hướng dẫn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho eKYC khách hàng.

"Trong quá trình chuyển đổi số, mô hình vận hành và sự đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng. Công nghệ số và chuyển đổi số tạo ra những thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, với 23% các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính. Ngành ngân hàng cần tạo điều kiện để thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới như ngân hàng số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

“Xu hướng toàn cầu hóa, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, cần có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh an toàn hệ thống công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu toàn ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, cùng các giải pháp khác để tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động, qua đó có dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.