Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng

NDO - Trong hai ngày 4 và 5/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp Công ty TradePass (Ấn Độ) tổ chức sự kiện Chuỗi đổi mới tài chính thế giới (WFIS) - Việt Nam 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh lễ khai mạc chuỗi sự kiện (Ảnh: VNBA)
Toàn cảnh lễ khai mạc chuỗi sự kiện (Ảnh: VNBA)

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tài chính toàn cầu đang chuyển dịch từ các trung tâm truyền thống tại Bắc Mỹ và châu Âu về châu Á. Hầu hết dấu hiệu chỉ ra rằng quá trình dịch chuyển Tây - Đông này sẽ là xu hướng trong thời tới.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. “Đó chính là cơ hội, các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính thích ứng với bối cảnh mới nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, một số ngân hàng tiên phong chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn mới là sáng tạo số. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng ảnh 1
Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại buổi lễ.

Cũng theo VNBA, chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực. So cùng kỳ, trong hai tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,14% về số lượng, qua kênh internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị; qua phương thức quét mã QR tăng 142,06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị.

Lĩnh vực Fintech của Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ Chính phủ.

Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây”, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh. Trong đó, VNPay và MoMo là hai đại diện của Việt Nam trong Top 10 công ty Fintech được rót vốn lớn nhất Đông Nam Á.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, đạt được kết quả như vậy là do có sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông,… thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sửa đổi dự thảo Luật Giao dịch điện tử và xây dựng dự thảo nghị định liên quan đến sandbox...

“Thời gian tới xu hướng này sẽ còn được tiếp tục tăng tốc. Dự báo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và có thể trở thành thị trường rất hấp dẫn cho các sản phẩm Fintech”, đại diện lãnh đạo VNBA khẳng định.

WFIS lần này thu hút sự tham gia của hơn 350 giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức: ngân hàng, bảo hiểm và tài chính vi mô hàng đầu trong khu vực. Đây là sự kiện được TradePass tổ chức thường niên nhằm kết nối các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh toàn cầu.

Trước đó, WFIS cũng đã được tổ chức thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia…