Chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng

Chủ động, đi đầu ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành, mà còn mang tính dẫn dắt, tiếp sức các bộ, ngành và nền kinh tế tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Ðồng thời, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng ngày càng được trải nghiệm nhiều dịch vụ ngân hàng bằng công nghệ số. (Ảnh TRẦN HẢI)
Khách hàng ngày càng được trải nghiệm nhiều dịch vụ ngân hàng bằng công nghệ số. (Ảnh TRẦN HẢI)

Ðây cũng chính là kết quả của nhận thức và hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung.

Rút ngắn khoảng cách giao dịch

Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành ngân hàng đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vừa do áp lực phát triển, vừa do sự quan tâm của lãnh đạo ngành, từ đó giúp cả nước chuyển đổi số nhanh. Số liệu từ NHNN cho thấy, 66% tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán; 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mobile money, có đến gần 660.000 là khách hàng ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%; nhiều ngân hàng Việt Nam đã có hơn 90% giao dịch trên kênh số.

Ðến nay, công tác chỉ đạo điều hành của NHNN cũng không còn bị ngăn trở bởi khoảng cách địa giới hành chính hay thời gian khi toàn bộ các đơn vị trực thuộc đã triển khai xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng thông qua hệ thống Edoc; 100% văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được ký số và được xác thực theo quy định. Hệ thống báo cáo định kỳ điện tử dần thay thế các chế độ báo cáo giấy, góp phần chuyển đổi phương thức điều hành theo dõi, đánh giá dựa trên dữ liệu số theo thời gian thực. Ðặc biệt, việc tối ưu hóa hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tổ chức các cuộc họp, hội nghị, không chỉ giúp tiết kiệm kinh phí hoạt động mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của NHNN. Theo thống kê của NHNN, riêng năm 2022 đã có 359 cuộc họp trực tuyến, chiếm 44% tổng cuộc họp, tiếp khách của NHNN trong năm.

Ngoài ra, NHNN cũng đã áp dụng nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đối với hoạt động giải quyết thủ tục hành chính để tối ưu hóa nguồn lực và tối đa hóa lợi ích của doanh nghiệp, người dân. Ðồng thời, bổ sung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 của NHNN phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. NHNN cũng cơ bản hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại theo mô hình dùng chung và triển khai các Hệ thống thông tin phục vụ toàn diện các hoạt động nội bộ của NHNN. Chất lượng các dịch vụ công ngày càng tăng, công khai, minh bạch với việc Cổng dịch vụ công NHNN đã liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia để sử dụng chung Hệ thống xác thực và công khai cho người dân, doanh nghiệp tình hình kết quả giải quyết thủ tục hành chính của NHNN. Từ nhiều năm nay, NHNN đã triển khai Báo cáo đánh giá chất lượng cải cách hành chính, từ đó giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, phát sinh, cũng như đổi mới nâng cao chất lượng cải cách hành chính hằng năm.

Đi đầu ứng dụng công nghệ

Ðánh giá về chuyển đổi số ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú cũng cho biết: Hiện đại hóa ngân hàng thông qua việc ứng dụng nhanh, hiệu quả các thành tựu công nghệ thông tin, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn được NHNN xác định là trọng tâm trong các kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính. Ứng dụng công nghệ được xác định vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện các mục tiêu, nội dung tiến trình cải cách của NHNN cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng để "đi tắt đón đầu", rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phát triển nhanh và mạnh của các tổ chức tín dụng chủ yếu là do áp dụng công nghệ hiện đại kịp thời thay thế hoạt động thủ công truyền thống. "Ðây cũng là lý do ở góc độ quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành NHNN thấy rằng cần phải có sự chỉ đạo thống nhất trong định hướng phát triển công nghệ của toàn ngành thay vì xu hướng phát triển tự do trước đây", Phó Thống đốc Ðào Minh Tú khẳng định khi nhắc đến vai trò định hướng, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của toàn ngành ngân hàng trong hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị. Theo đó, ngoài những chương trình cứng, chương trình chung của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng chủ động đổi mới hoạt động theo định hướng của NHNN để tạo sự đồng bộ trong phối hợp, kết nối và giao dịch. Từ đó, hình thành nên một mạng lưới thanh toán "xương sống" phủ khắp toàn quốc, đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh, an toàn và tin cậy của nền kinh tế, gia tăng vòng quay của đồng tiền, nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn và đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, dịch vụ ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Ðồng thời, đây cũng là nền tảng để NHNN chủ động phối hợp sâu rộng với các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề tạo ra một sự thuận lợi chung, cải cách chung. Theo đó, NHNN cùng hệ thống các tổ chức tín dụng đã tiên phong đồng hành và hỗ trợ Bộ Tài chính trong công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần đưa tổng số thu ngân sách điện tử của Tổng cục Hải quan lên 98% tổng thu năm 2022. Với ngành thuế, bên cạnh việc tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ khai, nộp, hoàn thuế điện tử đối với doanh nghiệp đạt hơn 99,9%, NHNN và các tổ chức tín dụng tiếp tục việc vận hành ứng dụng Etax mobile tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trực tuyến và nộp thuế điện tử tại nhiều ngân hàng... Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai vận hành trên nền tảng thanh toán đã kết nối với bốn ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV), cùng các trung gian thanh toán cho phép cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt từ tài khoản của 43 ngân hàng đối với dịch vụ tại 12 bộ, ngành và 51 trong tổng số 63 địa phương trên cả nước. Hiện NHNN đang chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương thúc đẩy triển khai thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt…

Hướng tới Chính phủ số, trong năm 2023 và những năm tới, NHNN sẽ tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành; đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngành ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng và lợi ích của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả công cuộc cải cách hành chính của NHNN ■