Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, hoạt động chuyển đổi số của các ngân hàng trên địa bàn thành phố khá tích cực, các ngân hàng đã nghiêm túc xây dựng và triển khai theo kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến thay vì phải tới trụ sở ngân hàng. Công tác chuyển đổi số tại các ngân hàng diễn ra toàn diện, cung ứng các sản phẩm ngân hàng số trực tuyến qua ứng dụng; sản phẩm dịch vụ thanh toán ứng dụng ngân hàng số diễn ra ở tất cả các lĩnh vực như: Thương mại điện tử, thương mại truyền thống, giao thông (trả phí sử dụng xe đạp công cộng, vé tàu thủy...), phí bệnh viện. Nổi bật là dịch vụ thanh toán học phí, thanh toán tiền điện của Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), chuyển đổi số là một mục tiêu quan trọng nhất và được triển khai những năm qua. Ðể bắt nhịp cùng xu hướng và nhu cầu người dùng, đồng thời mang lại giá trị cao nhất đến khách hàng, ACB đặc biệt chú trọng nâng tầm trải nghiệm người dùng trên kênh giao dịch, đặc biệt là ngân hàng số. Năm 2022, ACB cho ra mắt giải pháp ngân hàng số ACB One mang đến cho khách hàng dải sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số phục vụ chuyên sâu theo mọi phân khúc: Khách hàng cá nhân (ACB One), khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (ACB One Biz) cũng như khách hàng doanh nghiệp lớn (ACB One Pro).
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết: "Mỗi một sản phẩm, dịch vụ được thiết kế dựa trên phân tích chuyên sâu về nhu cầu của khách hàng với mục tiêu mang lại giá trị, lợi ích cao nhất đi kèm với sự tiện dụng, nhẹ nhàng, thoải mái trong việc sử dụng của khách hàng. Ngân hàng số của chúng tôi giờ đây không còn giới hạn ở các kênh truyền thống như website, ứng dụng di động mà khách hàng còn có thể trải nghiệm mở tài khoản và giao dịch với ACB ngay từ những ứng dụng của bên thứ 3 như ví điện tử, sàn thương mại điện tử, ứng dụng chứng khoán... nhằm đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của mọi khách hàng với trải nghiệm liền mạch".
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng giúp ACB tăng trưởng quy mô với hàng triệu khách hàng mới mỗi năm, tăng gấp đôi mỗi năm về số lượng giao dịch và số lượng người dùng thường xuyên, mở ra cơ hội bán thêm nhiều sản phẩm trên mỗi khách hàng. Năm 2022, ACB ghi nhận lợi nhuận 17.021 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5%, trong khi tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,74% - thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng đã thể hiện rõ hiệu quả trong kinh doanh và vận hành dịch vụ.
Là một trong những ngân hàng tiên phong sáng tạo số, năm 2022, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) tiếp tục chú trọng chiến lược phát triển công nghệ bằng việc đẩy mạnh số hóa trong kinh doanh và vận hành, không ngừng cải tiến và nâng cao trải nghiệm hệ sinh thái ngân hàng số (Open Banking - ONEBANK và Robot OPBA), mở rộng hệ sinh thái - kết nối đối tác như VGS, Mobifone, VNPOST, VNpay, VETC... Minh chứng là số lượng khách hàng sử dụng giao dịch số của Nam A Bank ngày càng tăng. Năm 2022, số tiền gửi online của ngân hàng này tăng hơn 46%, khách hàng sử dụng thẻ tăng hơn 23%, khách hàng sử dụng Open Banking tăng hơn 77% so với cùng kỳ năm 2021.
Với mục tiêu cung ứng cho khách hàng những giải pháp số toàn diện nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cho ra mắt hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền - VCB CashUp. Ðây là hệ thống phát triển dành riêng cho phân khúc khách hàng, tổ chức cao cấp của Vietcombank. Hệ thống được xây dựng và triển khai với những đặc điểm nổi bật như: Ngân hàng hợp kênh Omni-channel trên VCB CashUp với giao diện thông minh trên tất cả các thiết bị công nghệ, đem lại trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng.
Trao đổi về định hướng thúc đẩy chuyển đổi số thời gian tới, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động kinh doanh bằng việc đầu tư mạnh vào các dự án và con người. Trong đó, ACB đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và vận hành các công nghệ, sản phẩm, mô hình hiện đại như AI, Big Data, điện toán đám mây... Ðây là một quá trình lâu dài, không gián đoạn và luôn cần được cải tiến liên tục với chi phí không hề nhỏ. Công nghệ, quy trình, sản phẩm, con người... có thể thay đổi nhưng với chúng tôi, sự hài lòng của khách hàng luôn là mục tiêu bất biến mà ACB luôn đặt lên hàng đầu".
Ông Nguyễn Ðức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai định hướng và giải pháp hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung đưa cơ chế, chính sách về chuyển đổi số đi vào thực tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số, trước hết là làm tốt công tác truyền thông chính sách về chuyển đổi số, về thanh toán không dùng tiền mặt để người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần nhận thức đầy đủ vai trò chuyển đổi số, sự cần thiết và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, để thực hiện tốt đề án chuyển đổi số ngành ngân hàng. Ðồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh duy trì, đẩy mạnh mức độ truyền thông sâu hơn về sản phẩm và sử dụng dịch vụ ngân hàng số.
"Về hoạt động hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán số không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố triển khai đề án thu học phí không dùng tiền mặt, kết quả dịch vụ này đã phủ sóng toàn thành phố. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ Sở Y tế và các bệnh viện đẩy mạnh thu phí không dùng tiền mặt trong khâu khám, chữa bệnh giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các bệnh viện, góp phần đưa thành phố trở thành "Thành phố thông minh" - ông Nguyễn Ðức Lệnh thông tin thêm.