Cộng đồng giữ rừng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch Đinh Cu cho biết, xã là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh, với hơn 73.384ha. Trong đó chủ yếu là rừng đặc dụng và phòng hộ, chỉ khoảng hơn 12.500ha là rừng sản xuất. Những năm qua, đồng bào nơi đây tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường.
Không chỉ tuyên truyền, vận động đồng bào không khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và thực hiện các hành vi xâm hại rừng trái phép, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Trạch phối hợp lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng lập các tổ, nhóm cộng đồng bảo vệ rừng, tham gia tuần tra rừng cùng với lực lượng chức năng.
Địa phương khéo kết hợp giữa truyền thống, tập tục tốt đẹp của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng với các chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng với hướng dẫn, hỗ trợ người dân các bản tham gia nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Tín chỉ carbon rừng và kỳ vọng của người dân
Dưới chân dãy Giăng Màn, nhiều năm nay, bản Ông Tú ở xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa được xem là điển hình trong việc bảo vệ rừng. Bản có có 33 hộ, 143 nhân khẩu đều là người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) chung tay bảo vệ 80ha rừng nguyên sinh còn trồng thêm gần 10ha rừng lim, đến nay tuổi đời hơn 10 năm. Gần đây, bà con nhận thêm 41ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ.
Dẫn chúng tôi thăm khu rừng nguyên sinh rộng lớn nằm sát cạnh bản, Bí thư Chi bộ bản Ông Tú Hồ Thay chia sẻ: “Nhờ bà con chung tay thực hiện nghiêm túc nghị quyết quản lý, bảo vệ rừng từ nhiều năm qua mà môi trường ở bản luôn trong lành, nguồn nước sinh hoạt dồi dào. Mùa mưa lũ không xảy ra tình trạng sạt lở đất như các bản lân cận”.
Một góc rừng ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. |
Bí thư chi bộ Hồ Thay cho biết thêm, rừng ở bản Ông Tú được bảo vệ, gìn giữ từ năm 1994, khởi đầu từ hương ước bảo vệ rừng của chính bà con lập ra, về sau để bảo đảm tính thống nhất và nguyên tắc, nội dung bảo vệ rừng này được chi bộ đưa vào nghị quyết xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ.
Nhờ vậy, trong khi nhiều cánh rừng ở trên địa bàn xã Trọng Hóa nói riêng, huyện Minh Hóa nói chung bị tàn phá thì rừng ở bản Ông Tú vẫn được giữ gìn, phát triển tốt. Cho đến nay, 80ha rừng nguyên sinh của bản đã trở thành “lá phổi xanh” cho cả khu vực biên giới. Rừng hiện có rất nhiều loại gỗ quý, như: lim, táu, de, sú… đường kính gốc từ 0,5 đến gần 2m.
Hồ Thay nói rằng, có lúc đã xuất hiện những luồng ý kiến, như sống bên rừng mà không được khai thác gỗ lớn làm nhà, bán lấy tiền mưu sinh, hay thu hẹp diện tích rừng để có thêm đất làm nương rẫy... Tuy nhiên, chi bộ bản và trưởng bản cũng như già làng đã quyết tâm giữ rừng, không cho bất cứ ai xâm phạm vào rừng dù với hành động nhỏ.
Với sự hỗ trợ của các cán bộ kiểm lâm địa bàn, tổ bảo vệ rừng của bản được kiện toàn lại và hoạt động hiệu quả hơn, lực lượng tuần tra rừng được bố trí để ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại rừng trái phép. Đặc biệt, nhờ tuyên truyền, vận động và phát huy tập tục truyền thống tốt đẹp của người Khùa mà bà con biết giữ rừng nhưng giữ “báu vật” được thiên nhiên ban tặng. Giờ đây, với dân bản Ông Tú, giữ rừng như giữ lấy ngôi nhà của chính mình.
Hưởng lợi từ rừng
Chúng tôi lên miền tây huyện Lệ Thủy và cảm nhận được sự chuyển biến trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thông qua hoạt động bảo vệ rừng. Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong Bạch Thanh Hải cho biết, đến nay, chúng tôi hợp động bảo vệ rừng cộng đồng với hơn 1.200 hộ là dân tộc Bru-Vân Kiều. Với thu nhập tăng thêm mỗi năm khoảng chục triệu đồng từ bảo vệ rừng cũng với những hỗ trợ về sinh kế, lâm sinh…đã giúp cho đời sống đồng bào ở đây ngày càng được nâng cao.
Từ trước đến nay, kể cả khi cuộc sống ổn định, chưa bao giờ có chuyện đồng bào chặt phá rừng ồ ạt hay tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại rừng. Ngay như việc đi lấy măng, lấy lá nón, mật ong, bà con cũng ý thức phải giữ lại một ít để tiếp tục mọc lên, thêm ra chứ không bao giờ khai thác cạn kiệt.
Già Hoàng Tuông
Một cán bộ bảo vệ rừng kỳ cựu ở Kim Thủy nhớ lại, những năm trước vùng rừng giàu trữ lượng gỗ ở vùng biên (còn gọi là ngã 3 biên) - nơi giáp ranh giữa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) với các huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa (Quảng Trị) thường xảy ra tình trạng lâm tặc chặt phá. Thậm chí, chúng còn đưa xe máy mở đường làm khai thác gỗ lậu.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu (Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu -Khe Nước Trong bây giờ) phải tăng cường nhân lực và cùng sự hỗ trợ của lực lượng của huyện mới đẩy lùi được nạn phá rừng. Những lúc như vậy, bà con tại các bản của các xã Kim Thủy, Lâm Thủy đã phối hợp, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng để ngăn chặn những hành vi xâm hại đến rừng.
Thời gian gần đây, Bản Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong đã ký hợp đồng bảo vệ rừng với hơn 1.200 hộ dân của các bản trên địa bàn thì việc canh rừng, giữ rừng càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Thủy Hồ Văn Xoan cho biết, từ khi được giao khoán bảo vệ rừng, bà con ở các bản càng nhiệt tình và có trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng. Từng bản đều có tổ bảo vệ rừng cộng đồng mà thành viên là đại diện trong các gia đình tham gia.
“Các tổ trưởng có trách nhiệm phân công các tổ viên luân phiên tham gia nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Thường là bà con chủ động đi tuần rừng nhưng cũng có khi đi cùng lực lượng chuyên trách của Khu dự trữ nên rừng được kiểm tra, bảo vệ tận gốc, tránh không bị đối tượng xấu dòm ngó để chặt trộm”, ông Xoan nói.
Gần đây, Quảng Bình và các tỉnh Bắc Trung Bộ thu được hàng trăm tỷ đồng từ tiền bán tín chỉ carbon rừng nên người bảo vệ rừng đã được hưởng lợi từ nguồn thu hữu ích này.
Người dân các xã miền núi huyện Lệ Thủy nhận tiền bảo vệ rừng từ nguồn bán tín chỉ carbon. |
Trưởng bản Ho Rum, xã Kim Thủy Hồ Văn Anh cho biết, gần 100 hộ dân trong bản đều tham gia các tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Bình quân mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 20ha nên đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước mỗi năm cũng được gần chục triệu đồng.
“Năm ngoái và năm nay, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Đông Châu-Khe Nước Trong chi trả tiền từ bán tín chỉ carbon nên bà con được nhận khoảng 600 ngàn đồng mỗi ha rừng. Có thêm thu nhập, nhiều gia đình dành dụm tiền để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng cho sinh hoạt hằng ngày. Bà con ai cũng mừng và gắn bó hơn việc giữ rừng”, Hồ Văn Anh phấn khởi nói thêm.
Già làng Hoàng Tuông ở xã Lâm Thủy nói rằng, từ xưa đến nay người Bru-Vân Kiều đều dựa vào rừng mưu sinh, nên việc giữ rừng là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người. Bởi vậy, từ trước đến nay, kể cả khi cuộc sống ổn định, chưa bao giờ có chuyện đồng bào chặt phá rừng ồ ạt hay tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại rừng. Ngay như việc đi lấy măng, lấy lá nón, mật ong, bà con cũng ý thức phải giữ lại một ít để tiếp tục mọc lên, thêm ra chứ không bao giờ khai thác cạn kiệt.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2019-2024, các địa phương đã bàn giao gần 30.000ha đất rừng sản xuất cho đồng bào tộc thiểu số. Các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh hợp đồng giao khoán 130.000ha rừng cho bà con chăm sóc, bảo vệ. Từ đó hạn chế tình trạng chặt phá rừng; đồng thời tăng thu nhập cho đồng bào, giúp nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.