Cùng suy ngẫm

Tín chỉ carbon rừng và kỳ vọng của người dân

Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ là Nghị định đầu tiên giúp tạo ra một quy trình trong việc trao đổi, chuyển nhượng và triển khai carbon rừng ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: eec.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: eec.vn)

Từ đó, tạo thêm nguồn kinh phí khá lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (bên nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp) đã ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Tiếp đó, thỏa thuận ERPA này đã được thể chế hóa tại Nghị định số 107 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Nghị định số 107 đã đánh dấu bước ngoặt đưa Việt Nam bước đầu tiếp cận, tham gia cùng xu hướng chung của thế giới trong việc trao đổi, chuyển nhượng, thương mại tín chỉ giảm phát thải, carbon rừng.

Nguồn thu từ ERPA (dự kiến 51,5 triệu USD) chính là nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Đây được coi là nguồn tài chính rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý, bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, góp phần tăng nguồn thu nhập cho gần 70 nghìn hộ gia đình và khoảng 950 cộng đồng dân cư có sự tham gia mà phần lớn là những đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Việc chi trả đến những đối tượng hưởng lợi như chủ rừng, UBND xã, cộng đồng dân cư, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng... được thực hiện trên cơ sở kế hoạch chia sẻ lợi ích và sổ tay hướng dẫn thực hiện ERPA cùng với Nghị định số 107 sẽ trở thành căn cứ pháp lý quan trọng, đầy đủ, rõ ràng bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình triển khai thí điểm.

ERPA được thực hiện thí điểm đã giúp khơi thông và kịp thời tiếp nhận nguồn lực có ý nghĩa đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm ERPA cũng chính là cơ hội tốt để có thêm nguồn lực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết "đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050" của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, được sự hỗ trợ của Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, các sở ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh về REDD+ (sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu), về biến đổi khí hậu.

Vừa qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Tham vấn dự thảo sổ tay hướng dẫn thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ" mà đại biểu là các chủ rừng của sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nhằm tham vấn ý kiến đóng góp, làm cơ sở để sớm đưa Nghị định số 107 vào cuộc sống.

Trên cơ sở những góp ý của đại biểu, nhóm tư vấn và cơ quan chức năng tổng hợp, bổ sung, hoàn thiện và sớm trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành sổ tay hướng dẫn để giúp thúc đẩy nguồn tiền sớm đến tay người dân bảo vệ rừng vùng Bắc Trung Bộ.