Bảo vật quốc gia trong ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi ở Thái Bình

NDO - Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, nằm trên địa bàn xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) không chỉ nổi tiếng khắp vùng bởi sự bề thế của kiến trúc cổ trăm gian, với gác chuông uy nghi 3 tầng 8 mái, mà còn được du khách gần xa biết đến bởi đang lưu giữ 1 bảo vật quốc gia, được coi là kiệt tác nghệ thuật chạm khắc tiêu biểu của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh chiếc hương án thời Lê Trung hưng, 1 bảo vật quốc gia tại chùa Keo, tỉnh Thái Bình.
Toàn cảnh chiếc hương án thời Lê Trung hưng, 1 bảo vật quốc gia tại chùa Keo, tỉnh Thái Bình.

Đó là chiếc hương án làm bằng gỗ quý được đặt trang trọng trong tòa ống muống (phụ quốc), tiếp giáp với tòa hậu cung của khu thờ Đức Thánh Dương Không Lộ, vị cao tăng thời Lý đã có công xây dựng Nghiêm Quang Tự (tên nôm là chùa Keo) năm 1061.

Hương án chùa Keo được chạm khắc công phu, tinh xảo. Đây là 1 tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17.

Bảo vật quốc gia trong ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi ở Thái Bình ảnh 1
Góc bên phải hương án.

Hương án hình hộp chữ nhật dạng chân quỳ, dạ cá, được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân. Mặt hương án là tấm gỗ liền khối, để trơn, được phủ 1 lớp sơn ta rồi đánh bóng nhằm bảo vệ bề mặt gỗ không bị trầy xước. Hoa văn chạm khắc chủ yếu là cánh sen hình vân xoắn cách điệu, mây hình đao mác và băng hoa văn dây được chạm bong kênh, trổ thùng rất tinh xảo.

Thân hương án được các nghệ nhân xưa dày công tuyệt tác với trình độ hoàn hảo, công phu. Đây là phần trung tâm của bảo vật quốc gia, với rất nhiều chi tiết chạm khắc phức tạp, tỉ mỉ nhưng hài hòa, đối xứng, thể hiện sự tuân thủ nghiêm cẩn đề tài thiết kế của nghệ nhân điêu khắc gỗ.

Qua khảo sát của Bảo tàng tỉnh Thái Bình, riêng 2 cạnh dài trước và sau hương án, mỗi cạnh có tới 15 ô hộc (9 ô hình vuông, 4 ô hình chữ nhật đứng và 2 ô chữ nhật nằm).

Bảo vật quốc gia trong ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi ở Thái Bình ảnh 2
Các ô hộc chính giữa thân hương án trang trí hoa văn tinh xảo.

Những ô hộc này được bố cục cân đối và đặt đối xứng trong 1 chỉnh thể thống nhất, được chạm khắc các đề tài “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”, hay hình đầu rồng cách điệu hổ phù, nổi khối, có vẩy, sừng dựng ngược, râu xoắn…

Bên cạnh đó, ở 2 mặt hồi hương án chùa Keo, mỗi mặt đều có 11 ô hộc (7 ô hình vuông, 2 ô chữ nhật và 2 ô chữ nhật nằm). Tại 3 ô hộc hình vuông trung tâm, mỗi ô được trang trí đề tài hình rồng, bờm ở mỗi bên gồm 3 sợi tỏa ra 2 bên đều nhau, cân đối như đang vần vũ trong mây, 4 góc là cánh hoa.

Trong các ô hộc chữ nhật còn lại được chạm khắc đề tài hoa văn rồng, giống hình rồng tại các ô hộc chữ nhật ở 2 mặt trước và sau hương án. Dù quay ngang hay diễn dọc, những hình tượng rồng này đều chiếm hầu hết diện tích mặt phẳng, không còn để lại 1 chỗ trống, qua đó, khẳng định tính biểu tượng rõ nét của vương quyền.

Bảo vật quốc gia trong ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi ở Thái Bình ảnh 3
Chân hương án được đục chạm công phu.

Cuối cùng là chân hương án được tạo kiểu chân quỳ dạ cá kép rất tinh xảo. Bốn chân chính được tạo tác hình ảnh 1 con rồng với đầy đủ các bộ phận đầu, thân, bàn chân trước của rồng. Rồng ở đây trong tư thế đang ngóc đầu, miệng ngậm ngọc báu, bờm và mây đao mác khỏe khoắn.

Dạ cá ở mặt trước, mặt sau và 2 bên hồi hương án đều được chạm bong kênh, trổ thủng với kiểu cách, họa tiết giống như diềm mái của kiến trúc. Các đề tài chạm trổ đều giống nhau và đăng đối theo 1 tỷ lệ hoàn hảo.

Điều gây trầm trồ với du khách khi được trực tiếp chiêm ngưỡng chân hương án, đó là hoa văn ở đây được chạm khắc dày đặc đến mức ken chặt như không để hở 1 khoảng trống nào, qua đó phô diễn tài năng điêu khắc, sự sáng tạo và tính thẩm mỹ của nghệ nhân xưa.

Với kích thước hương án khá lớn, dài 227cm, rộng 156cm và cao 153cm, để dễ dàng dịch chuyển, các nghệ nhân đã nghĩ ra ý tưởng sáng tạo, đó là lắp dàn thanh ngang, trục dọc dạng khóa mộng với 4 bánh xe bằng đá.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình cho biết, hương án chùa Keo là 1 sản phẩm thủ công, do đó đây là hiện vật gốc độc bản, cấu trúc và các chi tiết hoa văn phong phú, phức tạp, khó có sự lặp lại ở bất kỳ sản phẩm điêu khắc gỗ nào.

So sánh với những hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng thời và sau đó tại những di tích thờ tự ở Việt Nam, như một số hương án ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thầy (Hà Nội)..., hương án chùa Keo có sự khác biệt đó là hiện vật độc nhất, chỉ có tại chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Vẫn theo ông Tuấn, sự độc đáo của chiếc hương án cổ thời Lê Trung hưng, trước hết đó là kích thước lớn, được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng hiện biết cho tới nay đang có mặt tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta.

Bên cạnh đó, ngoài hình tượng rồng được trang trí dày đặc trên hương án, thì hoa sen, hoa cúc, các loại hoa lá, mây đao mác, được thống kê lên tới 550 hoa sen, 435 hoa cúc, 24 hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu…

Đây là những đề tài mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo và Nho giáo, phản ánh đặc trưng tôn giáo tín ngưỡng của người Việt trong diễn trình lịch sử nói chung, thời Lê Trung hưng nói riêng.

Theo thống kê, trên bảo vật quốc gia hương án chùa Keo có tới 1.032 họa tiết được chạm khắc bằng kỹ thuật điêu luyện (chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, tạo khối nổi, khối chìm, trổ thủng), qua những đường nét sắc sảo, chau chuốt, được bố cục chặt chẽ, vừa mang tính phóng khoáng, vừa mang tính đăng đối, vừa thật, vừa ảo tạo nên tầng tầng, lớp lớp hoa văn, tôn lên từng chi tiết cùng với màu sắc của kỹ thuật sơn thếp, khiến cho nhang án sang trọng và tôn nghiêm nơi thờ tự.

Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao huyện Vũ Thư, đồng thời là Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Keo khẳng định, hương án chùa Keo còn khá nguyên vẹn, đang được bảo quản tại chùa. Tuy nhiên, với đặc thù vùng khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao, về lâu dài việc bảo quản nhang án cổ hết sức khó khăn.

Địa phương đang có ý tưởng tổ chức hội thảo khoa học, mời các nghệ nhân giỏi về chế tác 1 phiên bản như hiện vật gốc, sau đó đưa hương án cổ đến nơi đủ các điều kiện bảo quản hiện vật lâu dài, bền vững.

Trước mắt, trong lễ hội chùa Keo mùa thu (diễn ra trong tháng 10/2022), huyện Vũ Thư sẽ tổ chức Lễ đón Bằng công nhận bảo vật quốc gia hương án chùa Keo đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận vào tháng 12/2021 vừa qua.

Bên cạnh đó, lễ hội dự kiến tái hiện lễ rước với sự tham gia của hơn 800 người theo đúng tục lễ cổ truyền, để nhắc nhớ đến những giá trị văn hóa, tinh thần riêng có của di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Thái Bình.