Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”

Hiện nay, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang bị mai một nghiêm trọng. Trước tình hình trên, tỉnh Hòa Bình đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh TRỌNG ĐẠT)
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh TRỌNG ĐẠT)

Các giá trị văn hóa dân tộc Mường là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, dân ca, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian, Mo Mường… Còn “Văn hóa Hòa Bình” có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam, cũng như trên thế giới; là tài sản vô cùng quý báu của nhân loại.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bản sắc dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang dần bị mai một, hơn bao giờ hết việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường là điều cấp bách. Hiện nay, tại nhiều vùng quê đã mất đi những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh: “Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17 đã nhấn mạnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa các dân tộc… Tỉnh coi đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, mặc dù trong điều kiện tỉnh còn khó khăn về nguồn lực, nhưng tỉnh vẫn quyết liệt triển khai.

Ngày 24/11/2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường; góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh trong thời gian tới”.

Từ năm 2019, Trường THPT Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn thành lập “Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường”. Từ đó đến nay, trường chú trọng triển khai mô hình Giáo dục ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường cho học sinh thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ.

Câu lạc bộ tập trung vào sáu mảng chính là: dân ca, trang phục, nhạc cụ, ẩm thực, trò chơi, văn hóa dân gian. Ngoài ra, câu lạc bộ tổ chức dạy bộ chữ Mường cho các thành viên nhóm dân ca và văn hóa dân gian. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, câu lạc bộ đã giúp học sinh thêm yêu và hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Đến nay câu lạc bộ đã thu hút hơn 300 thành viên, khôi phục các bài trình tấu chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, làn điệu dân ca, trò chơi truyền thống... biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, ngày hội văn hóa của làng, xã, nhà trường và địa phương.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” ảnh 1

Trình diễn chiêng Mường trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình năm 2023. (Ảnh TRỌNG ĐẠT)

Tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, chúng tôi gặp bà Đinh Thị Kiều Dung - người 20 năm mở lớp dạy miễn phí các làn điệu dân ca Mường cho các lớp thế hệ trẻ. Bà tâm sự: “Gần cả cuộc đời công tác, tôi gắn bó với quê hương xứ Mường. Ngoài đam mê văn hóa dân tộc, tôi thấy cần phải đóng góp một phần trách nhiệm nhỏ bé của mình để giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc và những giá trị của văn hóa dân tộc Mường mà ông cha để lại. Tôi đã mở lớp truyền dạy văn hóa Mường cho các cháu từ năm 2004 đến nay, để khi các cháu lớn lên sẽ tự hào là người con của đất Mường và sẽ yêu dân tộc, yêu quê hương, đất nước mình sâu sắc hơn…”.

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các nghệ nhân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu; khuyến khích con em người dân tộc Mường đang học tập trong lĩnh vực văn hóa về làm việc trong cơ quan văn hóa các cấp...

Đồng chí Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về giá trị di sản rộng rãi trong nước và quốc tế; tập trung tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích quốc gia Hang Xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn - di tích tiêu biểu của “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình để xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại.

Các sở, ngành liên quan trong tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ cụ thể để xây dựng khu Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc, trong đó bao gồm: Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường, khu vực sân khấu trình diễn, ẩm thực của người Mường, khu vực tổ chức lễ hội Khai Hạ, khu vực làng người Mường cổ, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng…

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đang lựa chọn năm điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mường để đầu tư hỗ trợ khôi phục nhà sàn Mường truyền thống nhằm bảo tồn không gian văn hóa phục vụ khách tham quan.

Đồng thời, tỉnh hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ, trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tỉnh tổ chức kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, khôi phục, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian.

Trong đó, lựa chọn lập hồ sơ năm di sản văn hóa phi vật thể của người Mường đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công tác khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu, các trò chơi dân gian gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được tỉnh chú trọng. Tỉnh phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc, trang phục truyền thống, nhà sàn truyền thống, hát dân ca, nghệ thuật chiêng Mường, Mo Mường và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Mường Hòa Bình. Hiện, tỉnh đang đưa chữ viết của người Mường vào giảng dạy tại một số trường học trên địa bàn.

Những giải pháp đồng bộ trên sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” vừa khơi dậy niềm tự hào, vừa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới; góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề ở nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị phục vụ phát triển du lịch bền vững.