Đồ chơi truyền thống hút khách

Dù đồ chơi trẻ em ngày một tân tiến, hiện đại và đa dạng mẫu mã, song những món đồ chơi truyền thống của Tết Trung thu như đèn ông sao, đèn lồng, trống gỗ, mặt nạ… vẫn có chỗ đứng trong ngày Tết thiếu nhi.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm đồ chơi truyền thống vẫn được ưa chuộng.
Sản phẩm đồ chơi truyền thống vẫn được ưa chuộng.

Thị trường khởi sắc

So hai năm trước, đồ chơi, trang trí Tết Trung thu năm nay đã có nhiều khởi sắc. Tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội), điểm đến không thể thiếu mỗi dịp lễ trong năm, có hàng trăm món đồ trang trí, đồ chơi phục vụ Tết Trung thu được bày biện bắt mắt, thu hút người dân. Cảm giác năm nay, mọi thứ được chỉn chu hơn, ai cũng nóng lòng bù lại hai năm khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Chị Nguyễn Hòa Bình (46 tuổi, một tiểu thương trên phố Hàng Mã) chia sẻ: “Mặt hàng năm nay nhìn chung có sự đa dạng về cả chủng loại và mầu sắc, phong phú và mới lạ hơn khá nhiều. Năm nay, không khí Trung thu đã nhộn nhịp từ rằm tháng 7. Không chỉ ngày cuối tuần mà những ngày trong tuần, ở đây cũng đông khách tham quan, mua sắm”.

Dạo một vòng quanh con phố, dễ dàng thấy được độ “phủ sóng” của các mặt hàng đồ chơi nhập khẩu, hầu hết cửa hàng nào cũng sẽ có bày bán. Đây là những món đồ chơi bằng nhựa đặc, chạy bằng pin, có âm thanh, ánh sáng bắt mắt. Giá bán dao động từ 20 nghìn đến dưới 100 nghìn đồng, tùy vào kích cỡ, chủng loại. Nhưng cùng với đó, những sản phẩm thủ công truyền thống đang dần bày bán nhiều hơn, phần nào lấy lại được vị thế của mình.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, một số cửa hàng lớn ngoài việc bày các mặt hàng để bán, còn trang trí cửa hàng như một phòng chụp ảnh với bệ đứng, đầu rồng, trống, bình phong cùng các loại đèn lồng mầu sắc sặc sỡ nhằm phục vụ khách chụp ảnh. Tùy vào từng cửa hàng mà khách sẽ phải trả 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/lượt, từ 10-15 phút. Theo chị Bình, lượng khách đến chụp ảnh đông gấp nhiều lần so khách mua hàng.

Giữ gìn biểu tượng văn hóa, dân tộc

Trước sự ồ ạt của các mặt hàng đồ chơi nhập từ nước ngoài, các món đồ chơi Trung thu thủ công, sản xuất nội địa vẫn là nét đẹp được người dân gìn giữ và đang ngày càng được người dân ưa chuộng. Theo các tiểu thương trên phố Hàng Mã, giá cả các mặt hàng năm nay có tăng nhưng không tăng mạnh, chủ yếu do chi phí vận chuyển và bảo quản sản phẩm thủ công.

Một số mặt hàng đồ chơi không thể thiếu trong dịp này là đèn lồng, đèn ông sao, các hình tượng nhân vật tuổi thơ như chú Tễu, chị Hằng, chú Cuội… được gia công tỉ mỉ, giá thành cao hơn nhưng là lựa chọn được ưu tiên của người dân. “Thay vì một món đồ chơi nhựa, chạy bằng pin 200 nghìn đồng thì tôi lựa chọn cho cháu nhiều món thủ công như tò he, đèn ông sao, mặt nạ giấy, tổng giá trị còn cao hơn 200 nghìn đồng nhiều nhưng vừa để ủng hộ người lao động trong nước, vừa để có thứ cho con em biết hồi xưa các bố các mẹ chơi những gì, làm sao để làm ra nó thì số tiền đó hoàn toàn xứng đáng”, anh Hoàng Mạnh Cường (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Cũng chính vì các cửa hàng bày biện từ sớm, lại có sự chỉn chu, đầu tư kỹ lưỡng nên số lượng khách đến tham quan, mua sắm cũng đông, chưa kể năm nay các nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí đã được mở cửa bình thường nên số lượng đặt hàng cũng tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, các thợ và tiểu thương năm nay mong ngóng có một mùa phấn khởi. Theo chia sẻ của một chủ hàng, đèn cá chép năm nay lại được ưa chuộng nên sản xuất với rất nhiều kích thước cũng như mầu sắc. Những chiếc đèn lồng cá chép to có thể sáng đèn được các nhà hàng, khách sạn ưa thích khi chọn đồ trang trí Trung thu. Mặt hàng được bày bán nhiều nhất vẫn là đèn ông sao với giá từ 10 nghìn đồng cho đến hơn 100 nghìn đồng tùy kích cỡ. Đây là loại lồng đèn phổ biến nhất đối với người Việt Nam trong dịp Trung thu.

Mặc dù mẫu mã hầu như không được thay đổi liên tục như hàng ngoại nhập nhưng đồ chơi truyền thống trong dịp Trung thu vẫn là mặt hàng được ưa chuộng, vẫn luôn là những biểu tượng, đem lại mầu sắc cho dịp Tết thiếu nhi và tạo nên không khí đặc trưng ngay giữa đời sống hiện đại.

Để thay đổi không khí, nhiều cửa hàng còn nhập cả nguyên liệu sẵn như giấy, khung tre, các chi tiết trang trí... đóng theo từng bộ để khách hàng có thể tự tay tạo ra một sản phẩm thủ công.