Bảo đảm an ninh sinh thái, đa dạng sinh học

Nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng hệ sinh thái diễn ra mạnh mẽ, gây nên tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người. Góp phần ngăn chặn tình trạng này, những năm qua, nhiều địa phương ở Việt Nam đã tích cực trong công tác khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Du khách tham quan Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Sống hài hòa với thiên nhiên

Việt Nam hiện có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, trong đó có 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng 56 khu bảo vệ cảnh quan. Đặc biệt, 9 cơ sở được công nhận là “Khu Dự trữ sinh quyển thế giới,” 3 cơ sở là “Khu Di sản thiên nhiên thế giới” do Tổ chức UNESCO công nhận, 9 khu ramsar (đất ngập nước), 10 Khu vườn di sản ASEAN.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã chia sẻ: “Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương và có một vị trí hết sức quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng với hơn 2.421 loài nấm và thực vật, 1.715 loài động vật...”.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động khoa học trên cơ sở các nhiệm vụ thuộc Chương trình Bảo tàng tài nguyên rừng, năm 2022, Vườn đã thực hiện và hoàn thành nội dung đề tài tiềm năng cấp Bộ “Nghiên cứu phát triển một số loài cây thuốc có giá trị tại Vườn Quốc gia Bạch Mã theo hướng sản xuất hàng hóa”. Vườn đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học Huế; Trường đại học Khoa học Huế xây dựng và phối hợp thực hiện hai đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh về phát triển cây gừng đen; lan kim tuyến và bình vôi…

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) hiện được đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu. 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ. Qua các cuộc khảo sát hệ động, thực vật tại đây, bước đầu đã thống kê được 1.762 loài thực vật bậc cao với 710 chi, 162 loài. Đại diện Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, năm 2022, cơ quan này vừa tiếp nhận đưa về môi trường tự nhiên 135 cá thể động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm thuộc nhóm IIB và Phụ lục I, Nghị định 64, năm 2019 của Chính phủ. Được biết, số động vật hoang dã nói trên sau khi được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận, chăm sóc, bảo đảm sức khỏe đã chuyển giao cho Ban quản lý Vườn thả về tự nhiên ở các địa điểm bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái Vườn.

Việt Nam có 128 khu rừng đặc dụng tạo ra hệ thống khu bảo tồn của cả nước, chủ yếu là những khu rừng nhỏ và nằm phân tán, một số còn bao gồm các vùng canh tác nông nghiệp và khu dân cư. Nhiều khu rừng bị suy giảm không chỉ về phạm vi mà còn cả chất lượng môi trường sống.

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thật sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Lan tỏa thông điệp bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã

Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức nhiều chương trình lan tỏa thông điệp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, trong đó có Chương trình Vá rừng trên núi đá tại xã Vân Hồ (Sơn La) đưa ra mục tiêu phục hồi khoảng 10ha rừng Vân Hồ đem lại hiệu quả tích cực. Chương trình đã trồng 5.000 cây và phát tán hơn 4.000 bom hạt góp phần phục hồi rừng tự nhiên tại Vân Hồ để bảo vệ ngôi nhà cho quần thể vượn đen má trắng quý hiếm; đồng thời tạo cơ hội để những người yêu thiên nhiên có thể tự tay “vá” rừng Vân Hồ thông qua hoạt động trồng rừng.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, khu vực vùng núi giáp ranh giữa hai huyện Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) là một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm với những cánh rừng già trên núi đá vôi, núi đất. Khí hậu á nhiệt đới và địa hình địa chất riêng biệt này là nơi sinh sống của một hệ động thực vật đa dạng, với những cây tùng, bách, thông và phong lan quý hiếm, hay loài vượn đen má trắng đặc hữu và nguy cấp nằm trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Mặc dù nằm sát khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, dải núi đá vôi này không thuộc diện được bảo vệ do diện tích khu bảo tồn được xác định dựa trên ranh giới hành chính thay vì sự liền mảnh của rừng. Thiếu biện pháp bảo vệ, địa hình nơi đây đã và đang bị chia cắt mạnh như một tấm áo rách. Ước tính, gần 200ha rừng nguyên sinh trước đây bị khai phá, khai thác lấy gỗ hay làm cảnh, hoặc lấn chiếm làm nương rẫy. Hiện nay, mặc dù người dân đã nhận thức tốt hơn về việc bảo vệ rừng, nhưng nhiều mảng rừng bị chia cắt cần rất nhiều thời gian để phục hồi. Với sự hỗ trợ của con người, quá trình phục hồi rừng sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua là địa phương luôn làm tốt công tác bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã. Đặc biệt, các huyện Đồng Phú, Bù Đăng (giáp ranh với Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh (có tuyến đường biên giới giáp với Campuchia) luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng có liên quan tập trung tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp và về đa dạng sinh học. Tại đây, trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đe dọa xâm hại tài sản hoặc tính mạng con người, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật; đồng thời, thông tin ngay cho cơ quan kiểm lâm, hoặc UBND cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất; chỉ đạo cơ quan kiểm lâm và cơ quan tài nguyên - môi trường chủ động tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện phương án xử lý, ứng phó đối với từng tình huống có thể xảy ra… Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông và các đơn vị: Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thực hiện quy chế phối hợp giữa các tỉnh (Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng) trong trao đổi thông tin và thực hiện phối hợp các hoạt động về quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, có hoạt động điều tra, thăm dò, khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng đối với các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, hoặc động vật hoang dã nguy cấp; qua đó, đề xuất tham mưu phương án xử lý phù hợp.