[Báo Nhân Dân, ngày 11–12/10/1954] Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên

NDO - Mới tờ mờ đất, ngày 9 tháng 10, tiếng hát “Vì nhân dân quên mình” bỗng vang lên trên các ngả đường vào Bạch Mai, Kim Liên, ô Cầu Giấy. Các đơn vị tiền phong của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng ngũ nghiêm chỉnh, tiến vào giải phóng Thủ đô. Trên quốc lộ số 1, nhìn về Hà Nội, ánh đèn điện Bạch Mai ngày càng gần lại. Ánh điện báo hiệu công nhân và toàn thể nhân dân Hà Nội vẫn giữ vững đấu tranh đợi bộ đội về.
0:00 / 0:00
0:00
Bài viết " Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên" của tác giả Thép Mới, đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 11-12/10/1954
Bài viết " Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên" của tác giả Thép Mới, đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 11-12/10/1954

Trời bừng sáng sau một ngày, một đêm mưa tầm tã, ngày và đêm cuối cùng quân đội Pháp ở Hà Nội.

Lúc này, ngã tư Hoàng Mai đang phân đôi hai thế giới. Bên này là cờ đỏ rợp đường, nhân dân vùng quân đội Pháp đã rút đêm qua đứng đầy trước cửa nhà mình, ngóng chờ bộ đội ta về giải phóng. Bên kia là phố xá vắng ngắt, tiếng xe bọc sắt của quân đội Pháp là những tiếng động duy nhất ở đó. 6 giờ, chiếc xe cắm cờ xanh của Ủy ban liên hợp chuyển bánh tiến vào trung tâm thành phố. Đơn vị Liên hiệp Pháp đứng gác đường vừa rút đi. Tiếng reo mừng của nhân dân bật lên: “Hoan hô các anh bộ đội! Các anh đã về! Các anh đã về!” Khi chiếc xe đầu tiên của quân đội ta đỗ ở ngã tư, tiếng hoan hô lại càng nồng nhiệt. Đồng bào ùa ra như muốn ôm chầm lấy những chiến sĩ yêu quý của mình.

Một đồng chí cán bộ bộ đội từ trên xe bước xuống cảm động, sung sướng chào mừng đồng bào rồi giải thích đồng bào cần giữ trật tự để tiếp thu được dễ dàng. Trong trật tự tự giác, đồng bào ngoại ô biểu lộ tình cảm của mình một cách sâu xa. Một bà cụ già như tự hỏi lòng mình: “Bao nhiêu năm trời rồi, nay mới có ngày sung sướng”. Các em bé đứng lên những chỗ cao nhất, vỗ vào nhau đôi bàn tay xinh nhỏ. Một cụ già ôm cháu thơ vào lòng: “Vinh ơi, có sướng không cháu?”. Không biết từ lúc nào, tấm biểu ngữ đỏ thắm chữ vàng đã chăng qua đường: “Hoan nghênh quân đội nhân dân anh dũng vào giải phóng Thủ đô”.

Quân đội ta tiến đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc ra đến đấy. Trên nóc nhà, trên hiên gác, nhà nào nhà ấy treo cao những lá cờ đã lắp cán sẵn. Nhiều cửa đóng kín từ lâu nay bỗng mở tung ra. Sau bao năm xa cách, lần đầu tiên mới lại nhìn thấy người chiến sĩ anh dũng của quân đội nhân dân đã xông pha bao năm chinh chiến, trăm trận trăm thắng, nỗi vui sướng của đồng bào dào dạt thành những tiếng hoan hô không ngớt: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!". Nao nức của bao nhiêu ngày, của bao nhiêu năm chứa chất, mọi người muốn đổ cả ra đường đi theo, theo mãi những người chiến sĩ giải phóng của mình. Nét mặt nghiêm trang mà hòa nhã, miệng mỉm cười với đồng bào và mắt nhìn thẳng, mỗi chiến sĩ cảm thấy tất cả vinh dự và trách nhiệm được làm nhiệm vụ lịch sử này. Những giờ phút lớn lao của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như vụt hiện lên trong trí mỗi người quân và dân ta. Đơn vị đang tiến quân là một đơn vị đã từng giữ cờ “Đánh thắng” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi tiếp thu bóp cảnh sát Duy Tân, đơn vị chia làm nhiều mũi tiến vào trung tâm thành phố.

Chiếc xe phóng viên của chúng tôi tiến lên trước, qua dãy Chín Gian, chợ Hôm, dốc Hàng Gà và ngược lên đến tận Bờ Hồ. Đây, nhân dân Hà Nội đang hồi hộp mong đợi giây phút lịch sử đánh dấu sự thay đổi lớn lao sắp đến của đời mình, của Thủ đô yêu quý. Sau các chấn song cửa sổ, trong những khung cửa khép một bên, đồng bào đứng chen chúc hướng nhìn về phía quân đội nhân dân đang tiến vào, ngóng nghe tiếng hoan hô ngày một rõ dần. Những em nhỏ đứng ngồi không yên dưới các mái hiên, những thanh niên, thiếu nữ cố nghển nhìn từ trên gác thượng. Lấp ló trong các khung cửa, những lá cờ đã mở sẵn ở đầu cán.

Khu Hồ Gươm mặt ngoài còn buồn như chết. Những người lính của quân đội Pháp sắp rút khỏi Hà Nội tựa lưng vào mũi xe nhấm bánh mì, gục đầu bên thành xe thở khói thuốc. Những đơn vị lính đội mũ lưỡi trai trắng nhấc từng bước một đi vòng ngã tư Hàng Hoa. Những xe thiết giáp phóng vụt lên, ghế vải, giường gấp, bọc lớn bọc nhỏ buộc ngổn ngang cả đằng trước, đằng sau. Một chiếc xe vận tải chở đầy bàn ghế, một người lính ngồi trong một ghế bành, tung cả hai chân khi xe phóng lên. Ven Hồ, trông ra đền Ngọc Sơn, ba lô, mũ sắt để bừa bãi giữa cỏ. Một đơn vị kẻ đứng người ngồi, người đi đi lại lại, sốt ruột đợi xe đến đón đi. Một vài sĩ quan lững thững đi chụp ảnh cảnh Hồ…

Nhìn ngược về dốc Hàng Gà, phố xá đã trở thành một dòng sông đỏ cờ và biểu ngữ. Bộ đội ta đứng giữa lòng nhân dân Hà Nội. Lòng nhân dân Hà Nội vốn giàu nhiệt tình cách mạng. Các em nhỏ quấn quít lấy các anh: “Bao giờ Bác về hở các anh? Các anh sẽ chép bài hát cho các em nhá”. Những bạn trẻ Hà Nội vồn vã hỏi chuyện các chiến sĩ như những người bạn thân lâu ngày mới gặp: “Cả đêm hôm qua chúng tôi chẳng đứa nào ngủ được, chỉ mong chóng sáng các anh về”. Đồng bào ngắm mãi bộ đội: “Bộ đội mình anh dũng thế mà trông thật hiền. Chẳng bù với chúng nó…” Trước các cửa hàng, các bà bảo nhau: “Thôi từ nay hết phèng phèng. Mỗi lần nghe thấy phèng phèng là mất cả hồn...”

Tiếng reo lên: “Nó đã đi rồi! Hồ Gươm đã về ta rồi!” Bộ đội ta đã lên tiếp thu đến tận nhà máy điện Bờ Hồ. Suốt ngày và đêm qua, anh chị em công nhân mang cơm nắm đến ăn tại nhà máy, cả đêm thức bảo vệ nhà máy đến cùng. Bữa cơm nắm đêm qua – như anh chị em nói – là bữa cơm giao thừa đón cả một thời đại mới. Suốt đêm lau chùi nhà máy thật sạch - sạch như chưa bao giờ có trong nhà máy này. Khi bộ đội vào tiếp thu, anh em sắp hàng đứng đón. Hai chị công nhân dâng hoa và thay mặt anh chị em hứa: “Kiên quyết bảo vệ nhà máy, giữ vững sản xuất, đảm bảo điện nước phục vụ nhân dân”. Xong, một số anh em lại vào sản xuất ngay, một số anh em đi dựng cổng chào nhà máy. Cổng chào bằng gỗ cao 7 thước do anh em góp tiền làm. Ở Thị chính, cũng như ở Bắc Bộ phủ, anh em công chức đêm qua cùng ngủ cả tại sở, chia nhau canh gác, bảo về tài liệu, bàn ghế, đồ đạc và công sở. Khi bộ đội ta vào tiếp thu Bắc Bộ phủ, anh em đông đủ cả, mở các cửa phòng chạy ra đón. Một cụ cao tuổi nhất thay mặt toàn thể anh em tỏ lòng hoan nghênh bộ đội và hứa quyết tâm cố gắng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Còi 10 giờ thường lệ của Hà Nội nổi lên. Cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh Tháp Rùa rồi. Trời thu mà đẹp như ngày Tết. Nước Hồ trong xanh. Ở ngã tư Hàng Hoa, cảnh binh ta huy hiệu vàng nền đỏ, phất tay áo trắng chỉ đường cho các xe chạy. Trưa hôm nay, chuyến xe lửa đầu tiên rúc còi chạy về Văn Điển với chiếc đầu máy mới nhất trong những đầu máy mà anh em đã đấu tranh bảo vệ. Mỗi anh công nhân cầm một lá cờ phất chào nhà ga và đoàn xe, tỏ rõ lòng phấn khởi và quyết tâm của mình.

4 giờ chiều, toàn bộ Liên khu I cũ anh dũng được giải phóng. Hàng Bông, Hàng Đào, 36 phố phường của Hà nội biến thành một rừng cờ và biểu ngữ. Quân đội Liên hiệp Pháp rút qua cầu. Khi những xe lính mũ trắng đã qua khỏi nhịp cầu thứ tư, bộ đại ta tiến lên đóng đầu cầu. Cảnh binh ta đứng đầu cầu chỉ huy sự đi lại và giữ trật tự.

Nhẹ nhàng và huy hoàng, Hà Nội trở về tay nhân dân. Trong trật tự, cả Hà Nội say sưa tình yêu tha thiết lá cờ Tổ quốc thắm tươi và quân đội giải phóng anh dũng của mình.

Đêm nay, Hà Nội bình tĩnh chấp hành lệnh giới nghiêm và thao thức, rộn ràng, chuẩn bị đón đại bộ phận quân đội vào đóng Thủ đô. Điện vẫn sáng. Trên cổng chào của anh em công nhân nhà điện Bờ Hồ, ngôi sao năm cánh bằng điện soi bóng xuống Hồ Gươm. Hà Nội sáng, và ngày càng sáng mãi từ nay.