Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên khoáng sản
Theo Kiểm toán Nhà nước, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam trong những năm qua cho thấy còn thiếu sự đồng bộ, tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót, dẫn đến việc quản lý, sử dụng tài nguyên còn lãng phí, thiếu hợp lý, làm cho nguồn tài nguyên khoáng sản đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.
Trước thực trạng trên, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều chính sách, giải pháp theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo đảm môi trường và an ninh, quốc phòng. Trong đó nhấn mạnh Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản đối với sự phát triển của đất nước, những năm qua, tài nguyên khoáng sản được lựa chọn là một trong những chủ đề kiểm toán trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước.
Đơn cử, năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán chuyên đề Cấp giấy phép và quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2009-2012 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 25 tỉnh, thành phố.
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và 8 tỉnh, thành phố.
Năm 2022, cuộc kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 cũng được Kiểm toán Nhà nước tổ chức với phạm vi kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các phát hiện qua hoạt động kiểm toán đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong công tác quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, từ đó đưa ra các kiến nghị có giá trị thực tiễn cao.
Kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục
Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 như: Bất cập trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ; thực tế khai thác không tuân thủ giấy phép được cấp; nhiều địa phương chưa khoanh định và phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản; nợ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; các cơ quan tham mưu chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản…
Cụ thể, liên quan đến việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước cho biết có tình trạng địa phương chậm triển khai thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; không công khai tên tổ chức, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu; đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thuộc quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch.
Đáng lưu ý, tại thời điểm ngày 31/12/2021, các đơn vị tại nhiều địa phương còn nợ thuế tài nguyên môi trường 98,52 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường gần 56,67 tỷ đồng. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường do 10 tỉnh chưa nộp tính đến 31/12/2021 là gần 117,75 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa có trường hợp tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt khi không thực hiện ký quỹ hoặc ký quỹ không đầy đủ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Thậm chí có địa phương đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 67 điểm mỏ chủ yếu là đá vôi, cát sỏi làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2017-2021 nhưng lại chưa thực hiện đấu giá.
Trong thực tế, nhiều địa phương chưa khoanh định và phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Đến hết năm 2021, còn 6/11 địa phương được kiểm toán chưa thực hiện khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; 8 địa phương đã phê duyệt trước thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực nhưng chưa làm thủ tục phê duyệt lại và nhiều địa phương chậm thực hiện công tác khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các tỉnh chưa thực hiện và chậm thực hiện công tác khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.
Từ những vấn đề phát hiện qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khẩn trương xử lý các hành vi vi phạm của các đơn vị theo kết luận của Đoàn thanh tra; đồng thời thường xuyên đôn đốc và xử lý các đơn vị còn nợ tiền hoàn trả sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư.
Kiến nghị chính sách quan trọng được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và chỉ ra qua cuộc kiểm toán này là những vướng mắc giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Khoáng sản năm 2010.
Đơn cử, các dự án khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn… thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép theo Luật Khoáng sản nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, dẫn đến một số doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Thậm chí, doanh nghiệp không thể giải phóng mặt bằng do không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất, nhân dân không cho vào khai thác.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật để quản lý tài nguyên khoáng sản.