Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Hai vấn đề “nóng” hiện nay là việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn và giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể. Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các địa phương tích cực triển khai những hướng dẫn về hai nội dung trên, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động may quần áo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: nhandan.vn)
Lao động may quần áo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: nhandan.vn)

Ngày 1/3, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tháng 3/2023.

Cơ quan này cho biết, trong hai tháng đầu năm, toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ.

Ước đến hết ngày 28/2, toàn quốc có hơn 17,427 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần hơn 1,06 triệu người so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,968 triệu người, tăng 863,4 nghìn người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,459 triệu người, tăng 204,8 nghìn người.

Cụ thể như: Kế hoạch tổ chức đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với người lao động và người sử dụng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023; Quyết định ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và một số văn bản hướng dẫn nghiệp vụ khác.

Ước đến hết ngày 28/2, toàn quốc có hơn 17,427 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần hơn 1,06 triệu người so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,968 triệu người, tăng 863,4 nghìn người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,459 triệu người, tăng 204,8 nghìn người.

Về số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, toàn quốc có 14,26 triệu người, tăng 855 nghìn người so cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 90,474 triệu người, tăng 5,654 triệu người so cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế đến ngày 28/2, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 57.805 tỷ đồng; tăng 3.059 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, lãnh đạo bảo hiểm xã hội một số địa phương cũng nêu các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn trong năm 2023; đồng thời nêu giải pháp thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ảnh 1

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tháng 3/2023. (Ảnh: Tâm Trung)

Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn ngành đạt được trong 2 tháng đầu năm. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều tăng so cùng kỳ, cho thấy một khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức của năm 2023 là không ít nên toàn ngành không được lơ là, chủ quan.

Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan nhiệm vụ của ngành thời gian tới. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Hai vấn đề “nổi cộm” hiện nay là việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn và giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngay từ đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc và bảo hiểm xã hội các địa phương nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các công văn này nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia.

Công tác truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó chú trọng dự báo, bám sát các biến động của kinh tế-xã hội, thị trường lao động liên quan hoạt động của ngành để có các kế hoạch, kịch bản đi trước, hướng dẫn kịp thời, cụ thể các cá nhân, tổ chức tham gia. Công tác truyền thông, vận động cài đặt ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số cần tiếp tục tăng cường, để người lao động chủ động trong việc nắm bắt quá trình đóng-hưởng, góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử, lý các hành vi vi phạm. Trung tâm Công nghệ thông tin cũng cần bổ sung thêm các tính năng, tiện ích, thông tin cho ứng dụng VssID để ngày càng thuận tiện, hữu ích hơn.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ đạo, các đơn vị liên quan tăng cường nghiên cứu, đề xuất, phát huy lợi thế nguồn dữ liệu sẵn có, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành thời gian tới. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng như triển khai Đề án 06 của Chính phủ, không được có tâm lý tự mãn, chủ quan vì công nghệ không ngừng thay đổi và phát triển.

Trong năm 2023, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng đặt mục tiêu nâng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt tỷ lệ 40,2% so lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt tỷ lệ 31,7% so lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, công việc liên quan để hoàn thiện, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tăng cường kết nối, chia sẻ để cơ sở dữ liệu phát huy hiệu quả cao nhất, góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, ngành đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân, người lao động, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi nhất.