Trong đó, riêng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã cung cấp gần 11.500 đơn vị máu. Hai tuần gần đây, viện cung cấp 1.600 đơn vị máu mỗi tuần.
Việc này nhằm hỗ trợ phần nào giúp bệnh viện trước khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm túi máu, hóa chất, vật tư y tế cho tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp chế phẩm máu.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ cho biết, là trung tâm truyền máu lớn thứ 3 trong cả nước, sự hỗ trợ của các cơ sở y tế với bệnh viện thời gian vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, so với nhu cầu sử dụng mỗi tháng từ 12.000-15.000 đơn vị máu thì mới chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cấp cứu và điều trị của các bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long.
Khó khăn chung này đã ảnh hưởng đến 74 bệnh viện thuộc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, trung bình mỗi tháng, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cần 800-1.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, nửa tháng trở lại đây, nguồn cung cấp máu bị gián đoạn, có thể sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nếu không được cung cấp kịp thời từ Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ.
Bảo đảm cung cấp đủ máu cho điều trị. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế theo công văn ngày 3/6/2023, trong tháng 6 và các tháng tiếp theo, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cùng với Bệnh viện Truyền máu- Huyết học (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế cam kết tiếp tục duy trì cung cấp chế phẩm máu nhất định cho Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ.
"Chúng tôi cũng tăng cường các lịch tiếp nhận máu để có thể thêm nguồn máu tại các tỉnh miền bắc, miền nam, từ đó hỗ trợ cho khu vực Tây Nam Bộ”, Phó Giáo sư Hà Thanh cho hay.
Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng phối hợp Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên phương án, xây dựng kế hoạch tiếp nhận máu, chuyển một phần vật tư, hoá chất, túi máu của viện từ Hà Nội vào Cần Thơ để bảo đảm duy trì công tác hiến máu và tổ chức hiệu quả chương trình Hành trình Đỏ 2023 tại khu vực này.
Ngay trong sáng 5/6/2023, chương trình hiến máu Hành trình Đỏ lần thứ XI được khai mạc toàn quốc tại tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận được 1.000 đơn vị máu. Toàn bộ túi máu và vật tư phục vụ tiếp nhận máu đã được Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương chuyển từ Hà Nội vào.
Viện cũng cử nhân viên phối hợp Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ trong công tác tiếp nhận máu. Sau đó, số máu này được chuyển ra Hà Nội để viện thực hiện xét nghiệm sàng lọc, điều chế thành các chế phẩm máu an toàn và cung cấp ngược trở lại cho khu vực Tây Nam Bộ.
Quá trình vận chuyển 1.000 đơn vị máu trên (tương đương hơn 800kg hàng hóa) được bảo đảm an toàn, chất lượng, đúng quy định nhờ sự hỗ trợ tích cực, miễn phí chi phí vận chuyển, tạo điều kiện vận chuyển sớm nhất của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, chi nhánh Tổng Công Hàng không Việt Nam tại Cần Thơ và Cảng hàng không Sân bay quốc tế Cần Thơ.
Dự kiến, các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để vận chuyển trong thời gian tới với số máu tiếp nhận từ Hành trình Đỏ khu vực Tây Nam Bộ.
Thực hiện mục tiêu điều phối máu trên toàn quốc của Hành trình Đỏ, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng đã đề nghị các trung tâm truyền máu khu vực tiếp tục phối hợp, tăng cường hỗ trợ cung cấp máu và các chế phẩm máu cho Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ và các cơ sở y tế thuộc khu vực ồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt hỗ trợ cung cấp một số chế phẩm như tiểu cầu, huyết tương và chế phẩm thuộc nhóm máu hiếm.