Sáng 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua luật này.
Theo đó, với 466/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,33% tổng số đại biểu quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. (Ảnh: DUY LINH) |
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 12 chương với 115 điều, quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung quy định tại Chương II của Luật về các chính sách của Nhà nước phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.
Theo đó, quy định tại Điều 18 không giới hạn về đối tượng được xem xét thụ hưởng chính sách mà chỉ đặt ra những yêu cầu cơ bản cần đáp ứng để phản ánh đúng bản chất, tôn chỉ, mục đích phát triển đối với khu vực kinh tế tập thể; bỏ quy định tại khoản 2 Điều 17 mà chỉnh lý bổ sung Chính phủ quy định chi tiết đối với một số điều quy định về chính sách tại Chương II.
Các chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX bao gồm cả chính sách đối với tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tại địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: DUY LINH) |
Các chính sách dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được quy định tại các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (được phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021).
Ngoài ra, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng thông tin, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội xem xét, ban hành về Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để sớm có cơ sở thực hiện, bảo đảm tính khả thi, đưa các chính sách đi vào cuộc sống.
Luật cũng đã được nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý tại khoản 2 Điều 107 quy định về việc đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển theo chủ trương tại Nghị quyết số 20/NQ-TW trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự quản lý thống nhất của Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác.
Về quy định tại khoản 8 Điều 4 quy định liên hiệp HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 3 HTX là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như vậy là phù hợp với quy định về vốn góp tối đa của mỗi thành viên liên hiệp HTX không quá 40% vốn điều lệ.
Trường hợp quy định liên hiệp HTX chỉ có 2 thành viên thì theo quy định chỉ góp tối đa được 80% vốn điều lệ, không bảo đảm góp đủ 100% vốn điều lệ của liên hiệp HTX.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 20/6. (Ảnh: DUY LINH) |
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX, điều kiện đối với HTX, liên hiệp HTX có thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện về sáng lập viên, điều kiện về số lượng thành viên, điều kiện về phần vốn góp tối đa tại HTX, liên hiệp HTX.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung điểm h khoản 2 Điều 110 quy định một trong các nhiệm vụ của tổ chức đại diện của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX là đánh giá hiệu quả và đóng góp kinh tế, xã hội, văn hóa từ hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và thành viên.
Việc quy định về hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tại dự thảo Luật là phù hợp, tương tự như việc quy định về một số hội tại pháp luật hiện hành; bổ sung tại khoản 2 Điều 111 nhằm thể hiện tính hệ thống, liên kết của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Bên cạnh đó, đã chỉnh lý, sửa đổi khoản 4 Điều 115 theo hướng hạn chế giảm dần và chấm dứt tình trạng sở hữu chéo giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của HTX, liên hiệp HTX, bảo đảm phù hợp với quy định: HTX đã thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần và doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của hợp tác xã đó kể từ ngày 1/9/2023 không được tăng tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần và sau 24 tháng kể từ ngày 1/9/2023 phải thực hiện theo quy định tại Điều 81, Điều 82 của Luật này.
Về các quy định cụ thể, Điều 5 của Luật quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên, theo đó công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và thành viên.
Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; đồng thời bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động, sản xuất, kinh doanh và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.
Chính sách của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ban hành theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời gian áp dụng chính sách hoặc có văn bản thay thế, bãi bỏ.