Lo ngại chất lượng an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

Không chỉ tiện lợi, tiết kiệm thời gian, những năm gần đây, thức ăn đường phố còn trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa của người dân thủ đô. Tuy nhiên, do việc quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn nhiều bất cập, là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh ĐỖ VI)
Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh ĐỖ VI)

Bất cứ nơi đâu, từ các khu chợ truyền thống, cổng trường học, các khu du lịch, một vạt vỉa hè, hay thậm chí sâu trong các con ngõ nhỏ, không khó để mua được các loại đồ ăn đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt với đủ loại như: thịt nướng, chân gà, cánh gà, trà sữa,... Khách hàng của những hàng quán này cũng rất đa dạng. Từ người đi làm, học sinh, sinh viên, thậm chí, nhiều cụ ông, cụ bà cũng sẵn lòng dừng chân tại một điểm bán để mua những thức quà nóng hổi luôn phục vụ từ sáng sớm tới đêm khuya.

Bởi lẽ, lợi thế lớn nhất của thực phẩm đường phố là rẻ, nhanh chóng và tiện lợi, phù hợp với đại đa số người dân đô thị. Tại một khu chợ truyền thống thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều xe đẩy di động và những sạp hàng nhỏ bày bán các món ăn được chế biến ngay trước mắt khách hàng. Không che chắn, đồ sống để lẫn với đồ đã chế biến, người bán dùng tay trần trực tiếp bốc đồ ăn... đã không còn là hình ảnh hiếm thấy. Thậm chí, có quán ăn còn kinh doanh ngay cạnh khu tập kết rác thải tự phát của người dân, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Hoàng Vân, cư dân khu Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cho biết: “Đôi khi mình sử dụng chỉ vì thói quen. Sáng sớm đi làm không kịp chuẩn bị đồ ăn sẽ tranh thủ ghé mấy hàng quán nhỏ trên đường đưa con đến trường để mua đồ ăn cho bé. Chiều đi làm về nếu mệt quá mình cũng chọn mua đồ ăn sẵn để có thêm thời gian nghỉ ngơi. Việc mua đồ ăn sẵn cũng giúp mình có thêm thời gian cho bản thân, các con cũng thích nữa cho nên mình vẫn sử dụng”.

Cũng là một khách hàng quen của các sạp đồ ăn chế biến sẵn, song Thanh Mai, là sinh viên tại khu vực Hà Đông đã có những trải nghiệm không tốt: “Một vài lần mình sử dụng đồ ăn mua ở ngoài và đã bị đau bụng, tiêu chảy. Lúc đấy cũng chỉ tự đi mua thuốc và không ăn ở quán đó nữa thôi. Vì quỹ thời gian không cho phép khi phải vừa xoay ca học trên trường, đi làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội khác. Phần lớn các bữa ăn trong tuần mình vẫn sử dụng đồ ăn chế biến sẵn”.

Không chỉ trên đường phố, sát các khu trường học, ký túc xá, thức ăn đường phố cũng phát triển mạnh, bởi đây được cho là nhóm khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này nhiều nhất. Trước cổng Trường đại học Sư phạm Hà Nội vào khoảng khung giờ từ 16-19 giờ, khá đông học sinh, sinh viên, người đi làm đứng thưởng thức ẩm thực xiên que vỉa hè, đầy đủ các loại như: thịt viên chiên, bò viên, chả cá, xiên tôm, nem chua, xúc xích...

Thoạt nhìn, các que thịt xiên được xiên sẵn, xếp phía trên khay đựng chảo dầu rán, không có tủ kính che chắn. Mỗi lần khách hàng có nhu cầu người bán hàng lấy que xiên thả vào chảo dầu nóng. Tại khu vực chợ Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được coi là “thiên đường” ẩm thực vỉa hè, bởi lẽ ở đây có đầy đủ các món như bún, phở, chả rán, nem chua, chè, xiên que vỉa hè, hoa quả dầm... Khu chợ tập trung khá nhiều sinh viên, học sinh, thời điểm cuối tuần dòng người chen chúc đến khu chợ mua sắm, thế nhưng các món ăn được bày bán trên chiếc bàn thô sơ, không có tủ kính bảo quản... Người bán vô tư dùng đôi tay trần để bán hoa quả dầm, rán xiên que... Theo tiết lộ của một người dân, họ bán phô mai que đóng sẵn trong hộp không có nguồn gốc xuất xứ. So sánh về giá thành rẻ của các loại xiên que, phô mai que cho thấy, sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với nhiều thực khách, tâm lý “khuất mắt trông coi” cho nên cảm thấy những hoạt động bày bán thức ăn vỉa hè là bình thường. Đôi khi các thực khách không mấy quan tâm về hình ảnh mất an toàn thực phẩm, cũng bởi vì sự tiện lợi, giá thành rẻ. Điều đó tạo điều kiện cho quán cóc vỉa hè không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn có “đất sống”.

Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP gồm: Đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60 cm, được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải... Song trên thực tế, các gánh hàng rong, xe đẩy, quán ăn vỉa hè trên nhiều đường phố Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên và gần như không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc không bảo đảm quy trình sản xuất, bảo quản cũng như chất lượng sản phẩm đầu vào, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngày 29/11, vừa qua, 10 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức, Hà Nội mua kẹo lạ mang vào trường chia nhau ăn, bị đau bụng, buồn nôn, chóng mặt phải cấp cứu ở trạm y tế phường. Ngày 30/11, xuất hiện thêm thông tin, 2 học sinh Trường THCS Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn đã sử dụng gói kẹo này khi vào giờ học và các em có biểu hiện lạ cho nên đã được theo dõi ở phòng y tế nhà trường. Theo điều tra, số kẹo lạ gây ngộ độc cho các em đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đó là những loại kẹo có bao bì bắt mắt, nhiều mầu sắc, thường có vị hoa quả, bạc hà the mát. Mỗi gói kẹo chỉ có giá từ 3-10.000 đồng/gói, mỗi gói có từ 12-15 viên, hoặc một túi 100-300gr, giá từ 30-70.000 đồng cho 100-300 viên kẹo.

Trước đó không lâu, vụ việc 313 người ngộ độc bánh mì Phượng - một tiệm bánh mì nổi tiếng tại Hội An đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng bởi nguy cơ an toàn thực phẩm quy mô lớn. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, qua quá trình kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại vi khuẩn sinh độc tố được tìm thấy trong các mẫu rau, chả lợn, thịt heo xíu, xíu mại được lấy tại tiệm bánh mì này.

Thức ăn đường phố thuận tiện cho người tiêu dùng, giá rẻ, chủng loại đa dạng, phong phú... Mặt trái của loại hình này là kinh doanh theo mùa vụ, tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và mỹ quan đô thị. Để góp phần bảo đảm vệ sinh thực phẩm đường phố tại Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về công tác an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố.

Đồng thời, công khai thông tin để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh thức ăn đường phố chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh; tổ chức ký cam kết thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm... Người dân nên mua thức ăn chế biến sẵn ở địa chỉ tin cậy, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý về các quán ăn không tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân và cộng đồng ■