Gần đây chị Hương Mai, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) mua một hộp bún riêu để ăn sáng tại gánh hàng rong vỉa hè trên đường đến công ty. Sau khi ăn xong, đến trưa, chị Mai bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, hoa mắt, chóng mặt. Đồng nghiệp công ty đưa chị đến một phòng khám đa khoa trên địa bàn quận để cấp cứu. Tại đây, chị được nhận định bị ngộ độc thực phẩm, bác sĩ kê đơn thuốc hỗ trợ tiêu hóa và chỉ định chị Mai nghỉ ngơi tại nhà 2 ngày.
Trước đó, 37 học sinh tại Trường tiểu học Vĩnh Trường (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã phải đi cấp cứu do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng với nhiều món khác nhau tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và gánh hàng rong.
Mới đây, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, tính đến hiện tại đã có hơn 500 bệnh nhân vào viện theo dõi, điều trị. Tại thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng xảy ra vụ 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi trước cổng trường... Trong đó có 10 trường hợp ăn sushi, một ca ăn bánh mì, chủ yếu mua ở hàng rong trước cổng trường. Cơ quan chức năng đã đến các trường tiểu học có học sinh nghi ngờ ngộ độc thực phẩm làm việc, điều tra nguyên nhân.
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm vào mùa hè là do thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, gây ra bệnh về đường tiêu hóa. Thực phẩm chế biến xong nếu để ở nhiệt độ ngoài trời 37-400C, vi khuẩn phát triển thuận lợi và phát triển rất mạnh, không được bảo quản đúng cách, thời gian kéo dài, trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm... thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn, gây nguy cơ ngộ độc rất cao.
Tuy nhiên tại nhiều khu chợ truyền thống, cổng trường học, vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội không khó để mua được các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn, với thực phẩm chín đủ loại như: Bánh tráng trộn, bánh mì, cơm cuộn sushi, thịt xiên que, bún thịt nướng, chân gà... Khách hàng của những hàng quán này rất đa dạng, chủ yếu là người đi làm, học sinh, sinh viên... Lợi thế lớn nhất của thực phẩm đường phố là rẻ, nhanh chóng và tiện lợi, phù hợp với nhiều gia đình, nhất là tại khu vực đô thị.
Chị Minh Nguyễn, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, gia đình thường xuyên sử dụng thức ăn được chế biến sẵn, bày bán tại nhiều hàng quán khác nhau vì bận rộn, không có thời gian nấu nướng. Đặc biệt là bữa ăn sáng, trẻ nhỏ thường chọn thứ ăn nhanh như: Xôi, bánh mì, bánh bao... trước cổng trường học để kịp giờ vào học.
"Tôi thường chọn những hàng quán ăn đã lâu mà không xảy ra chuyện gì. Trường hợp con muốn ăn món nào lạ, nếu có mua thì do tin tưởng lẫn nhau, hoặc quan sát kỹ màu sắc, mùi vị thực phẩm chứ không có biện pháp nào để bảo đảm an toàn", chị Minh cho hay.
Địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Hà Nội đã xây dựng nhiều "Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát". Chi cục An toàn Thực phẩm thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tập huấn "10 nguyên tắc vàng" trong chế biến thực phẩm, đồng thời hướng dẫn tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đối với các cơ sở kinh doanh ATTP. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải chấp hành các quy định bảo đảm ATTP, nâng cao kiến thức, nhận thức về ATTP. Tuy nhiên, một số cơ sở kinh doanh có hiện tượng đối phó. Khi lực lượng kiểm tra đến, họ thực hiện nghiêm, nhưng sau đó tiếp tục vi phạm các quy định về ATTP.
Ngày 3/5/2024 Thủ tướng Chính phủ ra Công điện chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...
Thủ tướng giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất ATTP và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý…