Băn khoăn khi chọn tổ hợp môn lớp 10

Việc chọn tổ hợp các môn tự chọn lớp 10 trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đang khiến nhiều học sinh cũng như các bậc cha mẹ học sinh bối rối khi thiếu căn cứ để xác định.
0:00 / 0:00
0:00
Cha mẹ và học sinh tìm hiểu thông tin nhập học lớp 10 tại Trường trung học phổ thông Yên Hòa. (Ảnh NGUYỄN HOÀI)
Cha mẹ và học sinh tìm hiểu thông tin nhập học lớp 10 tại Trường trung học phổ thông Yên Hòa. (Ảnh NGUYỄN HOÀI)

Học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 là lứa đầu tiên bậc trung học phổ thông được học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với thay đổi lớn nhất là được tự chọn môn học trong các tổ hợp mang tính định hướng nghề nghiệp. Với kế hoạch mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Lịch sử là môn bắt buộc với 52 tiết học của lớp 10, 11, 12 và có phần tự chọn trong chuyên đề học tập. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 gồm 6 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử và hai hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Đối với tổ hợp tự chọn, học sinh sẽ chọn bốn môn trong tám môn được chọn từ ba nhóm môn học gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Đối với việc lựa chọn bốn trong tám môn tự chọn, nhiều bậc cha mẹ và học sinh khó tránh khỏi bối rối khi chưa có căn cứ rõ ràng từ định hướng nghề nghiệp tới những thay đổi, phương thức thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong buổi tư vấn cho cha mẹ học sinh lớp 10 trúng tuyển vào Trường trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) năm học 2022-2023, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi phải lựa chọn tổ hợp môn học bên cạnh các môn bắt buộc là "các con học theo chương trình mới thì việc thi cử sẽ thay đổi thế nào?". Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Yên Hòa cho biết: "Các bậc cha mẹ học sinh hỏi rất nhiều về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Có còn thực hiện như hiện nay hay thay đổi thế nào, việc tuyển sinh vào đại học ra sao với học sinh học chương trình mới. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa thông tin cụ thể về việc này, do đó, về phía nhà trường, chúng tôi chỉ có thể khẳng định với các bậc cha mẹ và học sinh là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Các trường đại học cũng sẽ tổ chức tuyển sinh theo hướng tự chủ, triển khai nhiều phương thức xét tuyển, không chỉ dựa vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông". Cũng theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, tại Trường trung học phổ thông Yên Hòa, số học sinh lựa chọn tổ hợp xã hội cao hơn một chút so với tổ hợp tự nhiên. "Hiện nhà trường đã lên phương án 7 lớp khoa học tự nhiên và 8 lớp khoa học xã hội, xu hướng này có thay đổi nhỏ so với năm trước là 8 lớp khoa học tự nhiên, 7 lớp khoa học xã hội", cô Nhiếp cho biết.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, thực tế, để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong năm học này, nhà trường đã lên nhiều phương án tổ chức các tổ hợp tự chọn cho học sinh lớp 10. "Các tổ hợp mà nhà trường đưa ra đều căn cứ vào tổ hợp xét tuyển đại học, theo yêu cầu ngành nghề công việc từng lĩnh vực và tất nhiên vẫn phải căn cứ vào điều kiện tổ chức giảng dạy của nhà trường. Điều này đã được nhà trường phổ biến rõ cho cha mẹ học sinh để mọi người có thời gian suy nghĩ, cân nhắc", thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết. Trước những băn khoăn của cha mẹ học sinh về những căn cứ để lựa chọn tổ hợp các môn học lớp 10, thầy Bình nhấn mạnh: "Mặc dù đây là lần đầu tiên học sinh cũng như nhà trường thực hiện yêu cầu đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng những căn cứ cơ bản để cha mẹ học sinh lựa chọn môn học phù hợp vẫn là năng lực và xu hướng của cá nhân học sinh. Tôi cho rằng các bậc cha mẹ cần tham khảo thông tin từ thầy, cô trung học phổ thông lẫn thầy, cô giáo cũ của học sinh để tìm hiểu con em mình phù hợp với lĩnh vực tự nhiên hay xã hội, có điểm mạnh với những môn học nào".

Cho đến thời điểm này, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 vẫn đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn lựa chọn tổ hợp chọn môn mới thay thế Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, các trường trung học phổ thông cả nước đã chủ động lên nhiều phương án xây dựng tổ hợp chọn môn trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng một cách tốt nhất cho học sinh. Nhiều giáo viên cho rằng với những thay đổi khi đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc và giảm số môn tự chọn từ năm môn xuống còn bốn môn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên bỏ quy định mỗi nhóm lựa chọn ít nhất một môn để học sinh thuận lợi hơn trong việc lựa chọn tổ hợp môn tự chọn. Như vậy, ngoài học các môn bắt buộc, học sinh có thể được chọn cả nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) hay cả nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).