Làn sóng di cư chưa giảm nhiệt

Dù áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vấn đề người di cư trái phép vẫn không hề "giảm nhiệt". Làn sóng di cư tiếp tục lan rộng ở châu Mỹ, châu Âu và châu Phi, đe dọa tính mạng của chính những người tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát làm việc gần hiện trường sau khi ít nhất 18 người được tìm thấy đã chết ở Bulgaria trong một chiếc xe tải gần thủ đô Sofia,. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát làm việc gần hiện trường sau khi ít nhất 18 người được tìm thấy đã chết ở Bulgaria trong một chiếc xe tải gần thủ đô Sofia,. Ảnh: REUTERS

Giám đốc Cơ quan Ðiều tra quốc gia Bulgaria Borislav Safarov cho biết, cảnh sát Bulgaria vừa lục soát một chiếc xe tải chở gỗ khả nghi đỗ trên đường vành đai cao tốc của thủ đô Sofia. Sau khi thùng xe được mở ra, cảnh sát phát hiện 52 người tị nạn Afghanistan, trong đó có năm trẻ em, được che giấu phía sau các khúc gỗ. Tuy nhiên, điều đau lòng là có tới 18 người tị nạn, trong đó có cả trẻ em, đã vĩnh viễn không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Những người sống sót cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Cảnh sát Bulgaria đã khẩn trương điều tra và bắt giữ ba đối tượng tình nghi liên quan. Dù nguyên nhân khiến 18 người tị nạn xấu số thiệt mạng vẫn đang được điều tra nhưng phía cảnh sát loại trừ khả năng do tai nạn giao thông. Bộ trưởng Y tế Bulgaria Asen Medzhidiev nhận định, các nạn nhân tử vong do thiếu dưỡng khí. Theo ông, họ bị nhốt quá lâu trong điều kiện không có bình dưỡng khí, lạnh, ướt và không được ăn trong nhiều ngày.

Bulgaria nằm trên tuyến đường được người di cư chủ yếu từ Trung Ðông và Afghanistan sử dụng để vào các nước Liên minh châu Âu (EU). Họ không có ý định lưu lại các nước thành viên EU nghèo như Bulgaria, mà đích đến là các quốc gia Tây Âu giàu có.

Bulgaria gần đây phải tăng cường kiểm soát biên giới phía nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực khác để ngăn chặn dòng người di cư ngày càng tăng đổ vào nước này, đồng thời chứng minh quốc gia vùng Balkan có đủ năng lực bảo vệ biên giới bên ngoài của EU.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng đang lo lắng trước vụ việc hơn 60.000 người Somalia, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, phải chạy trốn sang Ethiopia những tuần gần đây. Họ sợ trở thành nạn nhân của tên rơi đạn lạc trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và các bộ tộc ở Las Anod, phía bắc Somalia. Hầu hết những người này đều kiệt sức và bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Nhiều người trong số họ đã mất người thân, tài sản trong các cuộc đụng độ hoặc bị thất lạc các thành viên gia đình khi chạy loạn. Nhiều gia đình người tị nạn phải trú ẩn ở trường học và các tòa nhà công cộng trong khi những người khác ngủ ngoài trời.

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) lo ngại số trẻ em vượt rừng rậm Darien, nằm giữa biên giới Panama và Colombia, sẽ tăng trong năm 2023 trong bối cảnh làn sóng người di cư sẵn sàng vượt khu rừng thiêng nước độc này để tới Mỹ đang gia tăng.

UNICEF ước tính đến cuối năm 2023, hơn 300.000 người di cư sẽ vượt rừng rậm Darien, trong đó có khoảng 60.000 trẻ em. Con số này tăng so với mức 40.438 trẻ em tới Mỹ năm 2022. Chỉ tính riêng tháng 1/2023, có hơn 4.800 trẻ em thực hiện hành trình nguy hiểm này, cao gấp bảy lần so với cùng kỳ năm 2022. Nếu trước đây chỉ có người trưởng thành thực hiện hành trình vượt rừng Darien thì trong bốn năm trở lại đây, hiện tượng cả gia đình tham gia lộ trình này đã trở nên phổ biến. Năm 2022, số người di cư vượt rừng Darien tăng lên mức kỷ lục 248.000 người.

Cảnh báo của UNICEF là không thừa khi vài ngày trước xảy ra vụ xe khách chở người di cư lao xuống vực tại Panama khiến 39 người chết, trong đó có cả trẻ em và đây cũng là tai nạn thảm khốc nhất với người di cư tại quốc gia Trung Mỹ. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người di cư cố vượt rừng rậm Darien - nút thắt cổ chai bắt buộc phải đi qua với những người di cư trái phép bằng đường bộ từ Nam Mỹ tới Bắc Mỹ giàu có, bất chấp địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và các loại tội phạm như buôn người, cướp bóc, tống tiền và lạm dụng tình dục.

Các chuyên gia UNHCR cảnh báo, người di cư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi dấn thân vào hành trình đầy nguy hiểm rời bỏ quê hương, thậm chí có thể phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình.