Các nước Nam Âu ngăn chặn di cư trái phép

Trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Med9 tại Malta, lãnh đạo 9 quốc gia khu vực Địa Trung Hải và Nam Âu kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất thỏa thuận mới về người di cư và tị nạn trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024, đồng thời tăng cường nỗ lực ngăn chặn người di cư trái phép từ Bắc Phi. Tuyên bố nhấn mạnh các quốc gia EU tuyến đầu tiếp nhận người di cư cần tăng cường giám sát khu vực biên giới EU để chặn các đường dây buôn người.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị thượng đỉnh Med9 ở Malta.
Hội nghị thượng đỉnh Med9 ở Malta.

Các lãnh đạo tham dự hội nghị cũng kêu gọi cách tiếp cận mới nhằm tăng số người trở về quê hương trong trường hợp không xin được quy chế tị nạn ở các nước EU và các công dân ở nước thứ ba khác không có quyền cư trú hợp pháp tại EU. Cách tiếp cận mới cũng nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của di cư trái phép đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh nêu trên diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng nội vụ các nước thành viên EU đạt được bước tiến trong việc đề ra các quy định mới liên quan đến cách ứng phó với làn sóng nhập cư trái phép. Giới chức các nước kỳ vọng đạt được một thỏa thuận trong những ngày tới, mặc dù Italia đã đề nghị cần có thêm thời gian để xem xét văn bản này.

Thủ tướng Italia Georgia Meloni đề xuất, hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến được tổ chức vào tháng tới, nên đưa ra các biện pháp phòng chống buôn người và các giải pháp thay thế việc di cư cho các nước Bắc Phi. Bà nhấn mạnh EU nên đấu tranh mạnh hơn để phá bỏ mạng lưới buôn người và nguồn tài trợ của chúng trong khi đạt được thỏa thuận với các nước Bắc Phi để ngăn chặn người di cư trái phép.

Ngày 29/9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết bộ này đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan tương ứng của Ba Lan và CH Séc về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung nhằm chống lại tội phạm buôn người và ngăn chặn xâm nhập biên giới trái phép. Theo thỏa thuận, lực lượng đặc nhiệm chung sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol). Cảnh sát Đức cũng sẽ phối hợp với cảnh sát hai nước láng giềng để tiến hành tuần tra chung tại khu vực biên giới của ba quốc gia.