Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Bài 3: Gỡ khó để chất lượng bền vững

Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hành trình ấy vẫn còn nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ; việc huy động nguồn lực tại các huyện nghèo còn khó khăn; tăng thu ngân sách còn chậm… đang là lực cản với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Hộ nông dân Đặng Văn Thành ở thôn 5, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng có hơn 2.000m2 đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bưởi, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. (Ảnh Tuấn Đức)
Hộ nông dân Đặng Văn Thành ở thôn 5, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng có hơn 2.000m2 đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bưởi, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. (Ảnh Tuấn Đức)

(Tiếp theo và hết) (*)

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị tại một số địa bàn có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu để những vùng nghèo của Hà Nội đạt huyện nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn.

Hỗ trợ để đất nghèo "vượt dốc"

Sau hơn mười năm nỗ lực, cuối năm 2021, ba xã cuối cùng của huyện Mỹ Đức, gồm An Phú, An Tiến, Đồng Tâm, cũng là ba xã cuối cùng của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, Mỹ Đức phấn đấu về đích huyện nông thôn mới. Song đến nay, còn bốn tiêu chí, gồm y tế-văn hóa-giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống chưa đạt; ba xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cũng còn nhiều tiêu chí chưa đạt. Điều này cho thấy thách thức trong nâng cao chất lượng nông thôn mới còn nhiều. Để giải bài toán này, huyện Mỹ Đức vừa phát động đợt thi đua cao điểm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đăng ký trồng 22 đoạn đường hoa, hỗ trợ vốn vay cho các gia đình hội viên nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế; Hội Nông dân xây dựng bảy mô hình phát triển kinh tế… Mặc dù vậy, để đạt được các mục tiêu trong năm 2022 vẫn là thử thách không nhỏ. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai cho biết: "Khó khăn lớn nhất của huyện là thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các dự án để hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. Vì thế, cùng với huy động nguồn lực xã hội hóa, huyện sẽ đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có thể hoàn thành, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới".

Những ngày này, trên khắp địa bàn huyện Ba Vì, nhiều công trình đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi… đang được tập trung triển khai. Đến nay, Ba Vì mới có bốn tiêu chí đạt, bốn tiêu chí cơ bản đạt và tiêu chí môi trường chưa đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Không ít xã đã hoàn thành nông thôn mới, nhưng vẫn "nợ" tiêu chí môi trường. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng cho biết: "Trên địa bàn xã tập trung nhiều hộ chăn nuôi, chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt chuẩn, dẫn đến phần lớn chất thải vẫn xả ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chúng tôi mong rằng thành phố, huyện quan tâm đầu tư công trình xử lý chất thải chăn nuôi và hệ thống cống thoát nước". Bên cạnh đó, bảy xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dù kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng ở bước phát triển tiếp theo, hầu hết các địa phương đều thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, thiếu vốn phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo quy mô lớn. Đây cũng là vấn đề đặt ra tại những địa bàn còn khó khăn khác của các huyện Ứng Hòa, Thạch Thất, Phúc Thọ…

"Tăng tốc" cho vùng ven đô

Theo kế hoạch ban đầu, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển thành quận vào năm 2025, nhưng tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị ở một số địa bàn đã bị chững lại. Thành phố đã điều chỉnh kế hoạch để năm 2023, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm phát triển thành quận, các huyện còn lại sẽ hoàn thiện dần các tiêu chí trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên ngay cả hai huyện "tiên phong" của Hà Nội, khó khăn vẫn không ít. Huyện Đông Anh "mắc" ở tiêu chí nước thải. Để đạt được tiêu chí này, cần phải xây dựng hệ thống thu gom đến Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long. Trong khi đó, lượng nước thải công nghiệp từ các xã Vân Hà, Liên Hà… thải ra rất lớn. Đối với cấp xã, việc hoàn thành các tiêu chí xã thành phường còn nhiều vướng mắc hơn nữa. Hiện còn có 10/24 xã, thị trấn chưa bảo đảm 15 tiêu chí lên phường. Ở cấp xã, huyện Gia Lâm còn 20/22 xã, thị trấn chưa đạt. Các con số về thiếu tiêu chí ở các huyện được lùi tiến độ còn nhiều hơn. Huyện Thanh Trì đề xuất 46 dự án giao thông để bảo đảm tiêu chí về đường giao thông đến năm 2025, nhưng kinh phí huy động cho xây dựng hạ tầng còn nhiều thách thức. Trong đó, một phần quan trọng còn phụ thuộc vào việc đấu giá 63,2 ha đất có "được giá" hay không. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, dự kiến năm 2022, tỷ lệ tự cân đối thu chi ngân sách huyện đạt khoảng 63,6%. Năm 2023, dự kiến tỷ lệ này đạt khoảng 77,5%. Năm 2024, dự kiến đạt khoảng 98,7%. Năm 2025, dự kiến tỷ lệ đạt khoảng 109,1%, đáp ứng tiêu chí lên quận. Tuy nhiên, để đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng như trên, thì cái gốc vẫn là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, để tăng nguồn thu.

Cân đối thu chi, hạ tầng giao thông, xử lý nước thải cũng là "điểm nghẽn" của các huyện Đan Phượng, Hoài Đức trong nỗ lực nâng cao chất lượng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Trong đó, Hoài Đức mới đạt 47%, còn Đan Phượng mới đạt 27% cân đối thu chi; Hoài Đức đạt 9,92km đường giao thông/10km, nhưng tỷ lệ nước thải qua xử lý mới đạt hơn 19% (yêu cầu là hơn 50%). Đan Phượng còn thiếu khoảng 0,8km đường giao thông/10km… Đây là những vấn đề không dễ khắc phục trong một vài năm tới.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 318/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện những tiêu chí mới sẽ còn khó khăn hơn, đòi hỏi những nỗ lực mới. Trong khi đó, ngoài những khó khăn chung kể trên, nhiều huyện còn chậm giải ngân, nhất là trong xây dựng hạ tầng. Tỷ lệ giải ngân các dự án cấp thành phố của Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất đều là 0%. Các huyện sắp lên quận cũng ở mức rất thấp, thí dụ như Hoài Đức đạt 5%, Đông Anh là 7,1%... dẫn đến tình trạng có dự án thiếu vốn đầu tư, có dự án có vốn nhưng… không tiêu tiền được.

Tại Hội nghị giao ban về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sáu tháng đầu năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân; qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ■
----------------------------
(★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 20 và 23/9/2022.