Bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

Bài 3: Đấu tranh, ngăn chặn tà đạo

Hoạt động của các tà đạo, đạo lạ, thậm chí là các tổ chức chống phá núp bóng tôn giáo không chỉ gây bất ổn xã hội, mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng tới khối đoàn kết toàn dân tộc, mà còn tác động tiêu cực tới sự ổn định chính trị-xã hội của đất nước, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “không có tự do tôn giáo”, về lâu dài, xâm phạm đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Ông A Hak (thôn 5, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) từng bị lôi kéo theo tà đạo Hà Mòn, nhưng nay đã thay đổi, tập trung phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh PHÚC THẮNG)
Ông A Hak (thôn 5, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) từng bị lôi kéo theo tà đạo Hà Mòn, nhưng nay đã thay đổi, tập trung phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh PHÚC THẮNG)

Việc đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các loại hình tà đạo, đạo lạ, các tổ chức bất hợp pháp núp bóng tôn giáo là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; vừa góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, vừa loại bỏ các yếu tố chính trị ra khỏi đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy của nhân dân.

Sâu sát, nắm vững địa bàn

Nhận rõ các nguy cơ, hệ lụy tà đạo hiện diện trong đời sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị, xã hội nơi có nhiều người dân tộc thiểu số bị lợi dụng, lôi kéo theo các tà đạo đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp để thực hiện.

Khu vực biên giới thuộc tỉnh Điện Biên có 29 xã của bốn huyện gồm: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé. Lợi dụng sự thiếu thông tin, hiểu biết không đầy đủ của một bộ phận người dân, các đối tượng xấu đã lôi kéo họ tin theo các tà đạo như: “Bà cô Dợ”, “Lời sự sống Việt Nam”, “Nhân chứng Giê-hô-va”, “Ân điển cứu rỗi”…

Nhận rõ các nguy cơ, hệ lụy tà đạo hiện diện trong đời sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị, xã hội nơi có nhiều người dân tộc thiểu số bị lợi dụng, lôi kéo theo các tà đạo đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp để thực hiện.

Huyện Mường Nhé và Nậm Pồ từng là điểm “nóng” của tà đạo “Bà cô Dợ”. Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải cho biết: Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo 160 của huyện phân công cán bộ, lãnh đạo phụ trách địa bàn từng xã, nắm từng bản, rõ hoàn cảnh từng gia đình. Hằng năm, huyện tổ chức gặp mặt, trao đổi thông tin, lắng nghe phản ánh của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng các điểm nhóm, người có uy tín trên địa bàn. Về phía công an huyện, xã, các đồn biên phòng, phân công cán bộ, chiến sĩ bám cơ sở theo phương châm “3 bám, 4 cùng” sâu sát nhân dân.

Cùng cách làm như huyện Mường Nhé, song Huyện ủy Nậm Pồ (Điện Biên) chủ trương thành lập 121 tổ dân vận cơ sở tại 121 bản trong toàn huyện, trong đó thành viên nòng cốt là bí thư chi bộ, trưởng bản, đảng viên.

Nòng cốt trực tiếp nắm bắt, hướng dẫn tổ dân vận cơ sở hoạt động là các đồng chí lãnh đạo huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, lãnh đạo các phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện. Nhiệm vụ của tổ là nắm bắt toàn diện đời sống, tâm tư nguyện vọng người dân; thông tin đầy đủ chế độ, chính sách, hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình sản xuất, cùng nhân dân lao động sản xuất.

Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa cho biết: Cuối tuần, thành viên các tổ là lực lượng chính nắm bắt nguyện vọng người dân, phát hiện nhân tố điển hình để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Nhờ đó, từ khi thành lập huyện đến nay, Nậm Pồ đã kết nạp Đảng cho hàng nghìn quần chúng là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có 89 người là đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt tôn giáo.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, thời điểm đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã xóa được các đạo lạ “Vàng Chứ”, “Đức thánh chúa trời mẹ”. Còn 70 hộ với tổng số 371 nhân khẩu tại ba huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé tin theo các tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”. Hằng năm, các đơn vị biên phòng tăng cường lực lượng hoặc phân công đảng viên phụ trách các địa bàn có người dân theo tà đạo; phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo 160 các cấp, lực lượng chức năng trực tiếp gặp các đối tượng để giáo dục, yêu cầu ký cam kết từ bỏ, không lôi kéo người dân theo tà đạo.

Còn bí quyết thành công của Công an tỉnh Lai Châu trong việc xóa bỏ tà đạo “Giê Sùa” là vào tháng 8/2022, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã thành lập các tổ tăng cường cơ sở xuống địa bàn trực tiếp thực hiện “4 cùng” với nhân dân; tham mưu, phối hợp các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào, phản bác các luận điệu tuyên truyền sai sự thật; đấu tranh, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến tổ chức “Giê Sùa”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tôn giáo huyện Sìn Hồ Bùi Văn Tuấn nhấn mạnh: Cùng với việc tuyên truyền, chính quyền địa phương tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, ở các địa bàn bị ảnh hưởng, địa bàn tiềm ẩn nguy cơ; vận động người dân tích cực tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh, trật tự ở xã, bản, khu phố; đẩy mạnh phát động phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phù hợp thiết thực với từng địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín và các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă chia sẻ: Để ngăn chặn, đẩy lùi các tà đạo, đạo lạ, tỉnh Đắk Lắk huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nòng cốt là lực lượng Công an tỉnh, tham mưu, phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo tổ chức nhiều hội nghị với sự tham gia của các chức sắc, chức việc trong các tổ chức tôn giáo nhằm quán triệt chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đề nghị các chức sắc, chức việc quản lý, giáo dục, hướng dẫn tín đồ sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật, cảnh giác, không tin, không theo các tà đạo, đạo lạ.

“Tranh thủ” người có uy tín

Xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là xã biên giới nghèo, đặc biệt khó khăn. Năm 2003, tà đạo “Hà Mòn” xuất hiện tại thôn Giang Lố 2, người cầm đầu tự xưng Giáo phu là ông A Giêng. Đã có 53 hộ với 200 khẩu nghe xúi giục, hằng ngày tập trung tại nhà A Giêng (vợ là Y Hlao) đọc kinh trái phép.

Để xóa bỏ tà đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hồi ra chủ trương, xây dựng kế hoạch, xác định rõ lộ trình, các bước tiến hành, lực lượng tham gia. Theo đó, triển khai cho Chi bộ thôn Giang Lố 2 phối hợp Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Đồn Biên phòng Sa Loong thành lập 5 nhóm hộ, và phân công đảng viên, cán bộ ban, ngành của thôn, Mặt trận, đoàn thể phụ trách từng nhóm hộ để tuyên truyền, vận động, đấu tranh. Đồng thời, tách những người cầm đầu, đối tượng cốt cán, người hoạt động tích cực để kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tà đạo.

Thiếu tá Phạm Huy Thắng, nguyên cán bộ tăng cường xã Sa Loong- Đồn Biên phòng Sa Loong, nhớ lại: Để xóa bỏ được tà đạo, cần làm cho người dân phải tin tưởng, có nhận thức đúng đắn vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh để các đối tượng tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo. Hằng ngày, chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương với người dân. Có thời điểm chúng tôi kiên trì ở vài tháng cùng bà con vận động, thuyết phục. Mưa dầm thấm lâu, đến năm 2017, tà đạo “Hà Mòn” hoàn toàn bị xóa bỏ, đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Giang Lố 2 quay về đạo chính thống sinh hoạt.

Còn tại làng Kon Gu 1, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), đối tượng cốt cán A Níp, A Cheoh lôi kéo 28 hộ/55 khẩu là giáo dân tin theo tà đạo “Hà Mòn”. Nắm được thông tin, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà chỉ đạo lực lượng công an, cấp ủy chính quyền xã Ngọk Wang xây dựng kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ với chủ trương thường xuyên phân công lực lượng bám nắm địa bàn, giáo dục, răn đe, vô hiệu hóa kịp thời số đối tượng cốt cán; chủ động quản lý, theo dõi, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến, không để đối tượng cầm đầu, cốt cán lợi dụng tình hình hoạt động chống đối, phục hồi tổ chức phản động Fulro, Đề Ga; tổ chức vượt biên trái phép sang Campuchia hoặc gây rối, biểu tình, tạo ra điểm nóng về an ninh trật tự tại địa phương.

Lực lượng Công an huyện phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của xã, tuyên truyền vận động giáo dân không tin, không nghe theo phần tử xấu; ngăn chặn kịp thời không để lôi kéo phát triển thêm hộ mới sinh hoạt tôn giáo theo kiểu tà đạo; tổ chức các hoạt động trinh sát, quản lý chặt chẽ những di biến động của số đối tượng; giáo dục, răn đe và vô hiệu hóa hoạt động của số đối tượng cốt cán không để các đối tượng bị các thế lực thù địch, phản động lôi kéo tham gia vào các hoạt động chống phá; làm tốt công tác tranh thủ người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo như: già làng, giáo phu, ban quản lý thôn, các tổ chức hội để tham gia tuyên truyền vận động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đối tượng tin theo tà đạo và gia đình của số đối tượng bỏ trốn tích cực tham gia vận động, kêu gọi người thân của họ trở về gia đình làm ăn sinh sống; làm tốt công tác hỗ trợ cho một số hộ gia đình khó khăn.

Là một người con của thôn, và là người có uy tín, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Gu 1 A Đram, chia sẻ: công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là rất quan trọng. Việc này không thể chỉ thực hiện một sớm một chiều mà phải áp dụng phương pháp mưa dầm thấm lâu. Phải đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, giúp họ nhận ra điều không đúng, điều sai để họ tự bỏ.

Còn trong ký ức của Trung tá Đặng Minh Thắng, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đăk Hà thời gian đầu khi xuống địa bàn thôn Kon Gu 1 thuyết phục nhóm 27 hộ từ bỏ tà đạo rất khó khăn, căng thẳng do bị người dân lảng tránh. Thế nhưng trên tinh thần là một người con của bản làng, chúng tôi kiên trì gần gũi tiếp cận, sau đó, dùng tình cảm bên cạnh lý lẽ thuyết phục, việc làm hành động cụ thể để người dân tin tưởng.

* Bài 1: Bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam: Đồng hành cùng dân tộc

* Bài 2: Bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

----------------------
(Còn nữa)
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 20/9/2024.
(Tiếp theo kỳ trước) (★)