Những năm gần đây, những lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa-du lịch và kinh tế cửa khẩu được các địa phương trong vùng đẩy mạnh.
Đổi mới tư duy sản xuất
Ðến nay, Sơn La có hơn 83.000 ha cây ăn quả, gần 88.000 ha trồng cây công nghiệp với 28 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn và 151 sản phẩm OCOP...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Như Huệ cho biết: Năm 2023, giá trị nông sản chế biến tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La đạt 159,33 triệu USD, tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2022. Giai đoạn 2021-2023 và 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Sơn La đã thu hút đầu tư 11 dự án chế biến nông sản có quy mô lớn, trong đó có bảy dự án được cấp chủ trương đầu tư mới, bốn dự án đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư. Sơn La không chỉ là "hiện tượng nông nghiệp" mà còn là tỉnh dẫn đầu miền bắc về diện tích, sản lượng cây ăn quả với các thương hiệu đã có mặt trên thị trường trong nước, quốc tế với sức cạnh tranh cao. Tỉnh còn có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản.
Đồng bào Dao huyện Lục Yên (Yên Bái) phục hồi nghề thêu thổ cẩm phục vụ du lịch. Ảnh: Thanh Sơn. |
Ðể xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến cây ăn quả của vùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh cho biết, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến nông sản, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Sơn La thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp; đề án Thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao Sơn La.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La; Cảng hàng không Nà Sản...
Đến nay, diện tích cà-phê của tỉnh Sơn La đạt gần 21.000ha, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 18.000 ha. Ảnh: Luyện Ngọc Tuấn. |
Đưa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thành hình mẫu phát triển xanh, bền vững
Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao. Bảo vệ và phát triển rừng không chỉ giữ được môi trường sinh thái; bảo đảm được quốc phòng, an ninh mà còn tạo cơ hội để người dân sống được bằng rừng và hướng tới làm giàu từ rừng. Phát huy tiềm năng, lợi thế này, một số địa phương trong vùng tập trung phát triển các mô hình lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất, chế biến gỗ. Dẫn đầu trong lĩnh vực này là tỉnh Tuyên Quang với diện tích rừng hiện có là 426.204,77 ha.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cùng các lực lượng chức năng kiểm tra các kho hàng, bến bãi của các doanh nghiệp tại cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình). Ảnh: Vi Hùng Tráng. |
Ðể phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng với tổng diện tích 448.556 ha (chiếm 76% diện tích tự nhiên của tỉnh); phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng hơn 190.000 ha, trong đó diện tích rừng khai thác hằng năm hơn 11.000 ha, với sản lượng khai thác hơn 1 triệu m3 gỗ; tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì hơn 65%. Tỉnh đã thu hút được tám nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Hiện nay, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) của Tuyên Quang là hơn 48.318 ha (là tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ này).
Lễ hội Tết cá của người dân tộc Tày, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh (Hà Giang) mới được phục dựng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách. (Trong ảnh: Cuộc thi đua cá trong Lễ hội Tết cá của người Tày). Ảnh: Khánh Toàn. |
Giá trị văn hóa phục vụ du lịch
Thực hiện nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; đề án "Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng" giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ một cách toàn diện cho công tác bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa nhằm phát triển du lịch. Hiện tỉnh đã đầu tư cho 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng bảo tồn về kiến trúc nhà truyền thống; phục dựng các loại hình dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống; bồi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển du lịch.
Tỉnh thành lập 188 hội nghệ nhân dân gian cấp xã với gần 9.000 hội viên để bảo tồn và truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được gìn giữ, phát huy, trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, đóng góp vào sự phát triển du lịch của tỉnh và góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập của người dân.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc, (Lạng Sơn) kiểm tra, giám sát xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới. Ảnh: Vi Hùng Tráng. |
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: "Hiện nay, hoạt động du lịch tại Hà Giang được khai thác quanh năm, trong đó sản phẩm chủ đạo, xuyên suốt là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng". Nhờ đó, năm 2023, tỉnh đón hơn 3 triệu du khách, tăng hơn 750 nghìn khách; doanh thu từ du lịch đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 2.550 tỷ đồng so với năm 2022. Hà Giang được tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards-WTA) trao giải là điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023.
Hai năm qua, Yên Bái đã đón hơn 4 triệu 470 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 179.446 lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2023 đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2021, góp phần tạo việc làm cho 8.400 lao động.
Rừng đạt tiêu chuẩn FSC ở xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Hải Chung. |
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040. Cùng với các sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng, tỉnh tập trung chỉ đạo để xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù Yên Bái "Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc".
Nguồn lực cho kinh tế cửa khẩu
Các tỉnh biên giới phía bắc nước ta hiện có tám khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập. Những năm qua, các tỉnh biên giới tập trung phát triển các khu kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước nói chung, của các địa phương nói riêng. Tỉnh Lạng Sơn hiện có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và chín cửa khẩu phụ đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu luôn sôi động, đưa Lạng Sơn trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc lớn nhất trên tuyến đường bộ.
Tỉnh Hà Giang có gần 9.000 nghệ nhân dân gian, đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. (Trong ảnh: Ông Ma Dấu Páo, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ truyền dạy các điệu khèn cho thế hệ trẻ). Ảnh: Khánh Toàn. |
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ðồng Ðăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Hiện nay, hệ thống các cửa khẩu trong khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh cơ bản được chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hoá xuất, nhập khẩu được nâng lên đáng kể. Trong khu kinh tế cửa khẩu hiện có 126 dự án trong nước được đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng.
Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Ðoàn Thanh Sơn cho biết, trước mắt tỉnh thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng logistics; nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để kết nối giao thông, nhất là tuyến cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Ðồng Ðăng (Việt Nam)- Bằng Tường, (Trung Quốc); thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tập trung vào các cặp cửa khẩu trọng điểm, đang được phía Trung Quốc quan tâm đầu tư như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan...
Năm 2023, sản phẩm chè tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La đạt 9.300 tấn với giá trị 20 triệu USD. Ảnh: Luyện Ngọc Tuấn. |
Những năm gần đây, tỉnh Lào Cai dành nhiều nguồn lực đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành khu kinh tế động lực của tỉnh và có tầm cỡ quốc tế. Tỉnh kỳ vọng trong thời gian tới, sau khi cầu đường bộ bắc qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát (Lào Cai, Việt Nam)-Pả Sa (Vân Nam, Trung Quốc) được xây dựng và đưa vào vận hành; tuyến đường sắt từ Ga Lào Cai đến Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) được đầu tư nâng cấp lên khổ ray 1,435m và xây dựng thêm làn xuất-nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành từ hai làn lên năm làn (hai làn xuất, ba làn nhập), khi đó năng lực vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa qua các cửa khẩu trong Khu Kinh tế cửa khẩu sẽ được nâng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, ngoài hai tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn phát triển kinh tế cửa khẩu khá tốt do thuận lợi về mạng lưới hạ tầng giao thông, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới tại các tỉnh trong vùng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ðể khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế biên giới, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển để điều chỉnh và có những giải pháp phù hợp thực tế.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở công ty Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Hải Chung |
Các chủ hàng, doanh nghiệp thực hiện kê khai, đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Ảnh: Vi Hùng Tráng. |