Tỉnh đã sớm triển khai điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân ba loại rừng, phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng hơn 190.000 ha, trong đó có 48.318 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; diện tích khai thác hằng năm hơn 11.000 ha, với sản lượng khai thác hơn một triệu mét khối gỗ; tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì hơn 65%.
Tỉnh đã thu hút được tám nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị xuất khẩu còn thấp. Toàn tỉnh chỉ có một đơn vị sản xuất giống cây bằng phương pháp nuôi cấy mô sản xuất được khoảng 2,5 triệu cây giống/năm, đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu.
Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng rừng còn thấp; sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ chứa hàm lượng khoa học-công nghệ chưa cao. Dẫn đến, thu nhập của chủ rừng từ rừng trồng gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên đơn vị diện tích theo chu kỳ khai thác còn thấp, đời sống và thu nhập của người lao động sống bằng nghề lâm nghiệp còn khó khăn.
Từ những lý do đó, mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ đã được đặt ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022.
Ngày 31/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Ðề án "Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ". Ðể xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ, tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Trong đó, đến năm 2030 xây dựng trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển và trồng trình diễn các nguồn giống cây lâm nghiệp với quy mô hơn 300 ha; có được nguồn giống của ít nhất 10 loài cây lâm nghiệp chủ yếu (gỗ và lâm sản ngoài gỗ) trong vùng; xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở sản xuất giống hiện có để có được ít nhất ba cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao (nuôi cấy mô và tự động hóa trong ươm tạo cây giống) sản xuất được tối thiểu 10 triệu cây giống mô/năm; xây dựng mới hoặc nâng cấp hệ thống các vườn ươm vệ tinh đủ điều kiện sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, hằng năm cung ứng được tối thiểu 25 triệu giống cây mọc nhanh và năm triệu giống cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ cho trồng rừng trong tỉnh và tối thiểu 10% nhu cầu cây giống lâm nghiệp trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Không những vậy, thời gian vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật mới vào phát triển vùng nguyên liệu gỗ bền vững theo hình thức chủ rừng liên kết với các doanh nghiệp chế biến gỗ thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng với diện tích tối thiểu 100.000 ha rừng trồng… Phát triển được 3.500 ha cây dược liệu và cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao; toàn bộ diện tích rừng trồng mới hằng năm được kiểm soát chất lượng cây giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật lâm sinh, đưa năng suất rừng trồng cây mọc nhanh đạt bình quân tối thiểu 28m3/ha/năm và cây gỗ lớn bản địa đạt tối thiểu 15m3/ha/năm; bảo đảm sản lượng khai thác bình quân đạt tối thiểu 1,3 triệu m3/năm...
Ðồng thời, tỉnh tập trung đưa công nghệ thông tin, công nghệ đường truyền băng thông rộng để hoàn thiện hệ thống sàn giao dịch điện tử xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị môi trường rừng (tín chỉ các-bon, dịch vụ môi trường rừng...) của tỉnh, đủ khả năng kết nối với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn; khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp chế biến gỗ lớn đầu tư xây dựng sàn giao dịch triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ; tới năm 2025, có ít nhất một sản phẩm đồ gỗ được công nhận "Thương hiệu quốc gia Việt Nam"; tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 12%/năm.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, dự kiến đến năm 2050, tỉnh sẽ cung cấp toàn bộ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng trong tỉnh và tối thiểu 30% cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ toàn bộ diện tích rừng trồng sản xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ được trồng bằng giống mới và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý rừng, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt hơn 20.000m3/năm; ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng hơn 65%...