Thời gian qua, các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực; đồng thời khai thác, phát huy tối đa chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để nâng cao chất lượng xây dựng Quy hoạch Thủ đô, bảo đảm tính thực tiễn, khách quan, khoa học và khả thi.
Theo đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, qua phân tích tiềm năng, đặc thù, thực trạng và những điểm nghẽn trong phát triển thời gian qua, liên danh đề xuất định hướng quy hoạch gồm năm quan điểm phát triển, bốn khâu đột phá, ba kịch bản phát triển kinh tế; năm trụ cột phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội Thủ đô gồm năm vùng kinh tế, năm không gian phát triển, năm vùng đô thị, năm hành lang và vành đai kinh tế, năm trục động lực…
Đáng chú ý, sông Hồng được định hướng trở thành trục không gian kết nối văn hóa, nghệ thuật sáng tạo; không gian kinh doanh, thương mại, sản xuất, công nghệ hiện đại và kết nối hạ tầng, biểu tượng cho sự phát triển mới của Hà Nội.
GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, trục cảnh quan văn hóa, du lịch sông Hồng sẽ được phát triển thành con đường di sản, nơi diễn ra các lễ hội, quy tụ tinh hoa của các tỉnh, thành phố trên cả nước về với Thủ đô. Hai bên sông là khu vực hình thành các tổ hợp thương mại, dịch vụ hiện đại với kiến trúc độc đáo, ấn tượng, thu hút cộng đồng và góp phần tạo dựng hình ảnh thành phố hai bên sông.
Để tăng khả năng kết nối hai bên sông, nhiều cây cầu mới, với thiết kế mang dấu ấn riêng, tạo điểm nhấn kiến trúc sẽ được đầu tư xây dựng. Hai bên bờ sông sẽ tiến hành mở rộng mặt cắt, nâng cấp các tuyến đường đê; xây dựng hai tuyến đường trục chính đô thị quy mô từ sáu đến tám làn xe kết nối trục sông tại một số khu vực tập trung nhiều chức năng hoạt động để phục vụ nhu cầu du lịch và trải nghiệm của người dân.
Đến nay, sau 22 tháng triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc xin ý kiến các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã vào dự thảo báo cáo quy hoạch này đã hoàn thành. Các ý kiến tập trung vào thực trạng phát triển của ngành, lĩnh vực do đơn vị, địa phương phụ trách; các quan điểm, định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để phát triển Thủ đô; phương án phát triển của ngành, lĩnh vực; phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện và danh mục các dự án ưu tiên của ngành, lĩnh vực do đơn vị, địa phương phụ trách.
Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, đơn vị chủ trì lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, đơn vị đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức và chủ trì tổ chức hàng trăm buổi hội thảo, tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị trung ương, thành phố. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh, nhờ sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, đến nay dự thảo Báo cáo tổng hợp quy hoạch Thủ đô với dung lượng hơn 1.000 trang, với chất lượng bảo đảm đã hoàn thành. Trong tháng 11, viện và các đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với các sở, ngành, địa phương nhằm tổng hợp thêm ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo thành phố.
Tại hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố đang triển khai đồng bộ ba nội dung quan trọng, gồm lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là cơ hội để các sở, ngành, địa phương đóng góp vào các nội dung có tầm ảnh hưởng lâu dài đến sự định hình phát triển Thủ đô trong tương lai. Các đơn vị cần phối hợp để thực hiện, tận dụng tối đa cơ hội này.
Mới đây, phát biểu tại buổi hội thảo định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 liên quan đến những vấn đề hệ trọng của thành phố, không chỉ trước mắt mà tầm nhìn lâu dài, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội nhiều địa phương.
Từ chỉ đạo của trung ương, Bộ Chính trị, điểm mới lần này là thành phố lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm cho quy hoạch phát triển Hà Nội. Các đơn vị cần tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch để vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực và động lực phát triển mới cho Thủ đô .
-----------------------------
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 7/11/2023.