Tầm nhìn xa cho phát triển Thủ đô

Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội có bảy lần lập quy hoạch Thủ đô, góp phần tạo lập diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Công viên Long Biên, công trình vừa được cải tạo nâng cấp khang trang, sạch đẹp. (Ảnh MẠNH QUÂN)
Công viên Long Biên, công trình vừa được cải tạo nâng cấp khang trang, sạch đẹp. (Ảnh MẠNH QUÂN)

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch còn một số bất cập là điểm nghẽn trong việc phát huy vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Để khắc phục hạn chế nói trên, thành phố đang tập trung lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bài 1: Kết cấu hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng theo quy hoạch. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến quy mô dân số vượt ngưỡng dự báo, kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển, rất cần lập quy hoạch mới để điều chỉnh những bất cập.

Những ngày này, người dân quận Long Biên (Hà Nội) vui mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận. Anh Nguyễn Văn Long ở phường Ngọc Thụy cho biết, thay đổi lớn nhất khi chuyển từ vùng đất ngoại thành lên đô thị là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Ngay khi thành lập quận, các quy hoạch đô thị, từ mở đường giao thông, phát triển khu đô thị, xây dựng công viên trung tâm đến quy hoạch các nhà văn hóa cộng đồng, công viên mini trong khu dân cư, nhà ở riêng lẻ của người dân đều được công khai để người dân biết, thực hiện. Nhờ có quy hoạch rõ ràng, người dân mạnh dạn đầu tư cải tạo, xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; diện mạo đô thị nhanh chóng đổi thay.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Long Biên, năm 2003, khi mới thành lập quận, Long Biên đã lựa chọn công tác quy hoạch phải đi trước, dẫn dắt cho công tác đầu tư, phát triển hạ tầng, tạo bước phát triển đột phá.

Quận đã chủ động đề xuất cơ chế và trở thành địa phương đầu tiên được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phân cấp về công tác quy hoạch. Nhờ đó, chỉ sau hai năm, Long Biên đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 về sử dụng đất và giao thông, quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật.

60 đồ án quy hoạch, 236 quy hoạch chi tiết cũng nhanh chóng được lập, phê duyệt, tạo cơ sở để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung, như điện, đường giao thông, vườn hoa, công viên, hình thành nhiều khu đô thị lớn, hiện đại. Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; nơi đáng sống khi thu hút nhiều cư dân khu vực nội đô lịch sử dịch chuyển sang sinh sống.

Cùng với quận Long Biên, nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch gắn với đầu tư phát triển hạ tầng, diện mạo đô thị tại các quận, huyện, nhất là các huyện thực hiện đề án phát triển lên quận, như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì cũng có bước phát triển nhanh chóng. Nếp sống văn minh đô thị cũng chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật.

Có thể thấy, trong những năm qua, công tác quy hoạch được thành phố đặc biệt quan tâm. Các định hướng phát triển Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tám quy hoạch chuyên ngành hạ tầng. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa các định hướng phát triển bằng 30 quy hoạch ngành kinh tế, xã hội và 68 quy hoạch chung huyện, quy hoạch phân khu đô thị. Hệ thống 108 đồ án đã được xây dựng, phê duyệt là cơ sở để thành phố triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các khu đô thị, các công trình hạ tầng khung quy mô lớn như đường Nhật Tân - Nội Bài, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, đường vành đai 1, vành đai 2 trên cao, vành đai 3 Mai Dịch - cầu Thăng Long...

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác quy hoạch Thủ đô cũng bộc lộ không ít hạn chế khi chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội. Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo, tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát dân cư; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị.

Đơn cử như công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gắn với tái thiết đô thị, cải thiện cuộc sống các cư dân. Thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong đó đợt 1 ưu tiên cải tạo, xây dựng lại bốn khu chung cư có nhà nguy hiểm, sáu khu chung cư có tính khả thi cao và các kế hoạch triển khai đề án, xác định mốc thời gian triển khai cụ thể, nhưng tiến độ thực hiện vẫn rất chậm trễ.

Hàng chục nghìn cư dân sinh sống trong các tòa chung cư cũ vẫn mong chờ sớm được cải thiện chỗ ở. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc thống nhất phương án bồi thường giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu căn hộ còn gặp nhiều khó khăn khi chủ sở hữu căn hộ yêu cầu hệ số bồi thường cao, dẫn đến nhà đầu tư khó cân đối hiệu quả tài chính, không mặn mà với dự án. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cũng gặp khó khi hiện trạng một số nhà chung cư không phù hợp quy hoạch; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp...

Thời gian gần đây, khoảng 26.500 người dân sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà, thuộc địa bàn huyện Thanh Oai và quận Hà Đông (Hà Nội) phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do năng lực cấp nước hạn chế của chủ đầu tư dự án khu đô thị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, gốc rễ của tình trạng này là từ bất cập của công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch khi chủ đầu tư chỉ chú trọng phát triển các dự án bất động sản, mà chưa chú trọng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt, cư dân khu đô thị Thanh Hà được cấp nước từ nguồn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà và bổ sung nguồn nước từ Nhà máy nước mặt Xuân Mai, nhưng đến nay việc này chưa thực hiện được. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, đô thị Hà Nội được quy hoạch mở rộng về phía tây thành phố, nhưng quy hoạch hạ tầng đô thị khu vực phía tây thành phố thì chắp vá, nhất là hạ tầng cấp nước, thoát nước.

Do thiếu nguồn nước cấp mới, cho nên ở khu vực này phải nối dài các đường ống cũ hoặc khai thác nguồn nước tại chỗ. Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Lê Quân cũng khẳng định, sự phát triển manh mún đầu tư theo dự án, dự án nhỏ lẻ đã tạo ra bức tranh phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối với đô thị hiện hữu và làm cho khả năng hoàn thiện cấu trúc đô thị của các khu vực bị hạn chế. Vì thế, các hệ lụy về môi trường, cảnh quan đô thị, quá tải hệ thống hạ tầng tại các khu vực này khó tránh khỏi.

(Còn nữa)