Với sự tham dự của đại diện Bộ Nội vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyên gia chính sách công, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, tập trung làm rõ nguyên nhân gây giảm điểm, giảm thứ hạng các chỉ số thành phần của Bắc Ninh trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất các sáng kiến theo chức năng nhiệm vụ nhằm góp phần cải thiện đồng bộ, hiệu quả các chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Năm 2023, Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) với 45,7047 điểm, năm 2023. Đây là một điểm sáng tích cực bên cạnh những mảng tối màu trong bức tranh các chỉ số của địa phương.
Các đại biểu tham gia hội nghị. |
Tuy nhiên, qua phân tích của các chuyên gia, báo cáo và ý kiến của các sở, ngành, địa phương cho thấy, nhiều chỉ số điều hành, quản trị của Bắc Ninh có sự sụt giảm về cả điểm và thứ hạng trong năm 2023.
Cụ thể, về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bắc Ninh lần đầu tiên nằm ngoài nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất với 65,96 điểm, giảm 3,12 điểm so với năm 2022. Trong đó, có 4 chỉ số thành phần tăng điểm và 6 chỉ số thành phần giảm điểm.
Về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Bắc Ninh đạt 22,53 điểm, đứng thứ 21/30 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất, thấp hơn năm 2022.
Liên quan tới chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), năm 2023, Bắc Ninh đạt 77,40%, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đại diện VCCI trình bày tham luận tại hội nghị. |
Tương tự, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Bắc Ninh đạt 84.61/100 điểm, bị trừ: 15.39/100 điểm, đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố, dù đã tăng 4 bậc so với năm 2022 và vẫn nằm trong nhóm cuối.
Các ý kiến tại hội nghị chỉ rõ, đối với các chỉ số thành phần giảm điểm, tỉnh Bắc Ninh cần thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, tồn tại từ thực tiễn, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, bài học trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công tại cơ sở, quản trị môi trường…
Đặc biệt, sáu chỉ số thành phần PCI có thứ hạng rất thấp, trong đó có một số chỉ số thành phần giảm điểm nhiều như tiếp cận đất đai (giảm 0,09); chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 1,01); đào tạo lao động (giảm 1,06); cạnh tranh bình đẳng (giảm 1,02) đã ảnh hưởng đến xếp hạng chung của chỉ số PCI; Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI, SIPAS…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang kết luận hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh việc cải thiện các chỉ số là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh; trong đó chú trọng thực hiện 3 quyết tâm chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2024.
‘‘Điều quan trọng nhất hiện nay đó là cần tập trung cao đón bắt thời cơ, cơ hội mới; tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong chính quyền các cấp, lan tỏa khát vọng, bản lĩnh tạo đột phá đến từng cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh, hướng tới những mục tiêu cao, lớn hơn, xa hơn trong thời gian tới’’.
Đồng chí Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.
Bắc Ninh cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách, hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại” vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, các chi phí chính thức và không chính thức, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi, hỗ trợ cao nhất để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp...