Bắc Ninh gia tăng giá trị các sản phẩm OCOP

Được triển khai từ năm 2018, đến nay, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các cấp, ngành, các chủ thể và người tiêu dùng. Tỉnh đang tích cực phát huy giá trị của các sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị sản phẩm địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm OCOP bày bán tại một hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Ninh.
Các sản phẩm OCOP bày bán tại một hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Ninh.

Qua 6 năm triển khai, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh đã từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận.

Kết nối tiêu thụ

Nhận thấy những tiềm năng, lợi ích từ Chương trình OCOP mang lại, Hợp tác xã Sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du là một trong những chủ thể sớm tham gia chương trình. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Liên Ấp cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đã giúp các sản phẩm nông sản sạch của hợp tác xã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết, tin dùng. Bình quân mỗi ngày, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng một tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu một năm từ 12 tỷ-13 tỷ đồng. Hiện hợp tác xã có hơn 30 ha đất, trong đó có khoảng 20 ha canh tác các loại rau cải, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình VietGAP, có 4 sản phẩm đăng ký, đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh”.

Đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh Bắc Ninh đã công nhận 167 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận gồm huyện Lương Tài (19 sản phẩm); thị xã Thuận Thành (17 sản phẩm); thành phố Bắc Ninh (13 sản phẩm); huyện Tiên Du và thị xã Quế Võ mỗi đơn vị có 12 sản phẩm…

Các sản phẩm phần lớn thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, đồ lưu niệm và trang trí, tiêu biểu như các sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK của Công ty trách nhiệm hữu hạn PTK 879 Việt Nam (thị trấn Lim, huyện Tiên Du); tỏi bà Lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ du lịch và giáo dục Gia An (xã An Thịnh, huyện Lương Tài); bánh khoai, bánh ngũ sắc gia truyền của hộ bà Nguyễn Thị Nhung (phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh); nem Bùi Tuấn Liên (phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành); bánh phu thê Minh Thu (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn); gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ (huyện Yên Phong)…

Tin tưởng lựa chọn các sản phẩm OCOP, chị Nguyễn Thị Hoài ở thị xã Quế Võ chia sẻ: “Tôi thường không bỏ lỡ các chợ phiên nông sản hay hội chợ quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đến đây, tôi có thể yên tâm lựa chọn từ rau, củ, quả sạch đến các thực phẩm đã qua chế biến như mắm tép chưng thịt, nem Bùi, giò chả, đậu phụ được các nhà sản xuất trực tiếp cung cấp với giá cả phải chăng.

Nâng cao giá trị gia tăng

Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở bám sát các chương trình, kế hoạch của Chính phủ về xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP quốc gia, để xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Đáng chú ý, mô hình hội chợ quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được người tiêu dùng, nhà sản xuất đón nhận. Chợ phiên nông sản an toàn, bán các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm OCOP, mỗi năm hai lần được tổ chức vào tháng 4 và tháng 10, tiến tới tổ chức mỗi quý một phiên, đã là điểm hẹn quen thuộc để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối tiêu thụ nông sản và liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh cùng với các đơn vị, địa phương, các chủ thể OCOP ở Bắc Ninh đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý thực hiện chương trình có các tính năng về quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử, tiếp nhận phản hồi sản phẩm từ khách hàng tới chủ thể và cơ quan quản lý Chương trình OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bán trên các sàn thương mại online, như: Sen đỏ, Lazada, Vỏ sò… cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến dễ dàng, an toàn và nhanh chóng.

Giai đoạn 2022-2025, Bắc Ninh đặt mục tiêu: Phấn đấu có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được công nhận, ít nhất có hai sản phẩm OCOP đạt 5 sao; ít nhất 30% làng nghề có sản phẩm OCOP; 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại… Tỉnh cũng chú trọng xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh: Để tạo sức lan tỏa của Chương trình OCOP, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân hiểu về lợi ích của việc tham gia Chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, ngành sẽ tích cực tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ để sản xuất bền vững.