Theo lãnh đạo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, từ sự quan tâm giúp đỡ cụ thể, thiết thực của Trung ương và địa phương; sự quyết tâm của bà con, có thể nói, hôm nay, hầu hết các phum, sóc của đồng bào Khmer đã khởi sắc.
Hiện, các khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, trạm y tế, trường học kiên cố.
Chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 27 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, đào tạo nghề…
Ban Dân tộc và Tôn giáo Bạc Liêu quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong đó vận động xây dựng 18 căn nhà cho hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở (mỗi căn nhà được hỗ trợ 40-50 triệu đồng), tặng quà cho hàng nghìn hộ khó khăn nhân các ngày lễ, Tết.
Theo số liệu từ UBND tỉnh Bạc Liêu, hiện, toàn tỉnh có hơn 17.000 hộ gia đình Khmer với hơn 74.000 nhân khẩu, tương đương 7,57% dân số của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các xã, thị trấn luôn nhất quán chủ trương chăm lo, hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc Khmer, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Bạc Liêu là tỉnh có đa dạng các dân tộc thiểu số với hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh; trong đó, dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất với hơn 17.000 hộ, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh.
Việc thực hiện chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả.
Nhiều mô hình tập thể, cá nhân sản xuất giỏi, làm kinh tế hiệu quả được biểu dương, khen thưởng. Diện mạo các phum sóc, nhất là các phum, sóc vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc, đời sống, kinh tế người dân ngày càng phát triển.
Trong những ngày tháng 4 này, chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đến thăm một số hộ Khmer ở huyện vùng sâu Hồng Dân.
Trong cuộc trò chuyện với anh Danh Thol - một trong những hộ Khmer từ khó khăn vươn lên khá giả ở ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), anh cho biết, trước đây, đường sá đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của gia đình khó khăn, hai vợ chồng anh phải đi làm thuê.
Nhờ các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ, định hướng người dân trong việc phát triển kinh tế, những cánh đồng lúa hoang hóa của gia đình trước đây được chuyển đổi thành cánh đồng tôm-lúa cho giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, Tết năm nay, gia đình anh có nhà mới khang trang, các con được đến trường học tập đàng hoàng, không phải khổ như nhiều năm trước.
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) Dương Thanh Hòa cho biết, trước đây, điều kiện đi lại khó khăn, việc giao thương, học hành của người dân trong vùng có nhiều trở ngại. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, diện mạo của xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Ninh Thạnh Lợi hôm nay đã có thay đổi rất nhiều.
Tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), hiện có đông đồng bào Khmer ở các xã ven biển như Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, phường Nhà Mát… Đời sống của nhiều hộ Khmer hôm nay ở thành phố đã vươn lên khá giả, xây được nhà mới, con cái học hành đến nơi đến chốn.
Kết quả này có được, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Bạc Liêu, còn có sự nỗ lực vươn lên, quyết không cam chịu cảnh nghèo khó của nhiều bà con.
Đồng chí Đỗ Ái Lam, Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, cho biết, trong mấy ngày qua, Thành ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của thành phố Bạc Liêu tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến thăm các chùa Khmer trong thành phố và các hộ Khmer tiêu biểu, tặng quà và chúc mừng năm mới của đồng bào.
Thượng tọa Tăng Sa Vong, trụ trì chùa Buppharam, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội từ thành thị đến nông thôn, tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế phát triển, cuộc sống của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào Khmer phát triển so với trước đây.
Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh quyết tâm đoàn kết, nhất trí một lòng cùng các dân tộc anh em giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng văn minh, giàu đẹp”.