Bắc Kạn phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

NDO - Ba năm nay, tỉnh Bắc Kạn tập trung hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, tỉnh hình thành các vùng sản xuất lớn được bao tiêu qua các hợp tác xã.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn). (Ảnh: Thu Cúc)
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn). (Ảnh: Thu Cúc)

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, tạo vùng sản xuất bền vững, có thương hiệu thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với địa phương này.

Hiệu quả

Hình thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đồng nghĩa phải thay đổi tư duy và tập quán canh tác nhỏ lẻ của đồng bào miền núi. Do đó, Bắc Kạn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn trực tiếp và gián tiếp thông qua các hợp tác xã để liên kết sản xuất.

Cây khoai tây vốn đã được trồng tại huyện Na Rì, tuy nhiên vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cho nên không trở thành hàng hóa. Từ năm 2021, huyện Na Rì phê duyệt, hỗ trợ hợp tác xã Bình Minh triển khai dự án liên kết trồng khoai tây trên địa bàn.

Được hợp tác xã hỗ trợ đầu tư về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên người dân phấn khởi tham gia. Bình quân khi thu hoạch, năng suất ước đạt 10 tấn/ha, người dân có thu nhập 60 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Quan trọng nhất là người dân không lo đầu ra cho sản phẩm khi hợp tác xã Bình Minh thu mua với giá 6.000 đồng/kg.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Na Rì Hoàng Thu Nguyệt cho biết, thời gian qua, huyện thực hiện 4 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm: trồng cây khoai tây, trồng dược liệu, trồng gừng và trồng dong riềng. Kết quả đánh giá các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đây là định hướng lâu dài, đúng đắn, do vậy, huyện tiếp tục thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Tại huyện Bạch Thông, trong 25 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, có 5 dự án do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm chủ đầu tư, các dự án còn lại do Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư, chủ yếu hỗ trợ các thôn, xã trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới.

Bắc Kạn phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ảnh 1
Vùng trồng bí xanh thơm trên giàn treo tại huyện Ba Bể.

Nhiều dự án đã tạo sức bật mới cho nhiều xã vốn loay hoay trong xác định cây trồng thế mạnh. Vũ Muộn là xã vùng cao, khí hậu lạnh về mùa đông, thiếu nước nên chỉ canh tác được một vụ.

Từ năm 2020, Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki triển khai dự án liên kết với người dân trồng rau cải Nhật. Cây cải Nhật phù hợp thổ nhưỡng của địa phương, bình quân mỗi cây nặng 1,8kg; giá trị kinh tế đạt gần 100 triệu đồng/ha. Sản phẩm được công ty chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản, tạo hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương này.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn, từ năm 2020 tới 2022, tỉnh đã phê duyệt thực hiện 56 dự án hỗ trợ liên kết trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 51 dự án do các hợp tác xã chủ trì liên kết, làm chủ đầu tư.

Từ liên kết theo chuỗi giá trị, Bắc Kạn đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa, như: vùng trồng dong riềng khoảng 1.000ha ở các huyện Na Rì, Ba Bể; vùng trồng bí xanh thơm khoảng 200ha ở huyện Ba Bể; khoảng 4.000ha lúa chất lượng cao; khoảng 1.000ha trồng nghệ; vùng chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở tám huyện, thành phố...

Bắc Kạn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các hợp tác xã khi làm chủ đầu tư, được tiếp xúc với cơ chế, chính sách, trực tiếp triển khai, chịu trách nhiệm đã nâng cao năng lực, đáp ứng thị trường.

Nâng cao chất lượng

Để khuyến khích, hỗ trợ người dân, hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, năm 2019, Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa. Trong đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại, gia trại chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, phát triển thị trường...

Sau hai năm triển khai Nghị quyết, Bắc Kạn đã lựa chọn và phê duyệt được 41 danh mục dự án liên kết, trong đó, có 5 dự án cấp tỉnh và 36 dự án cấp huyện. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ có 33 dự án được triển khai với tổng số vốn được giải ngân 4 tỷ đồng. Thực hiện chính sách đã có hơn 1.000 hộ dân tham gia liên kết sản xuất, 100% các sản phẩm từ dự án liên kết được chủ trì liên kết thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.

Tuy nhiên, chính sách này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, dự kiến hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí hơn 21 tỷ đồng để triển khai, nhưng trong hai năm qua mới chỉ bố trí được hơn 15 tỷ đồng. Nhiều nội dung hỗ trợ trên thực tế không hiệu quả, chưa phù hợp, hoặc không thể triển khai.

Trong quá trình triển khai, việc thiếu phối hợp chặt chẽ, nắm bắt tâm tư chưa kịp thời, thẩm định còn chưa kỹ, đã dẫn tới tình trạng “vênh” giữa chính sách và thực tiễn. Nhiều nội dung quy định trong chính sách hỗ trợ của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn còn xa rời thực tế...

Những bất cập này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn nhìn nhận và điều chỉnh để ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 để thay thế cho Nghị quyết số 08.

Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Bắc Kạn Ngô Thế Cường cho biết: “Chúng tôi cho rằng cách làm này sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế hợp tác xã. Thay vì nhận hỗ trợ trực tiếp như trước đây, theo hình thức liên kết người dân sẽ nhận hỗ trợ gián tiếp thông qua chuỗi liên kết với các hợp tác xã. Ngành sẽ tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhất là chính quyền cấp xã, các hợp tác xã và người dân. Xem xét bố trí tập huấn cho cán bộ cơ sở, các hợp tác xã, người dân tham gia liên kết về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác xã”.

Hiện tại, ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã thẩm định 67 danh mục liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới đến năm 2025 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Bắc Kạn phấn đấu hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo đơn hàng, nhu cầu thị trường, có bao tiêu đầu ra ổn định giúp mở rộng sản xuất. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện các nội dung hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời, nhất là chính sách của ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Cụ thể hóa chính sách của ba chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với thực tiễn địa phương.