Bảo vệ rừng khi mở đường giao thông ở Bắc Kạn

NDO - Với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, trong đó có tới 56% diện tích rừng là rừng tự nhiên, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đang gặp khó khăn trong chuyển mục đích sử dụng rừng khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Không kiểm soát chặt việc đổ đất, đá sau san gạt sẽ có nguy cơ tác động tiêu cực đến rừng. (Trong ảnh: Một vị trí đổ đất, đá khi thi công đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể)
Không kiểm soát chặt việc đổ đất, đá sau san gạt sẽ có nguy cơ tác động tiêu cực đến rừng. (Trong ảnh: Một vị trí đổ đất, đá khi thi công đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể)

Điều này dẫn tới có nhiều vi phạm trong khi thủ tục chuyển mục đích kéo dài làm chậm tiến độ các dự án.

Bất cập

Dự án trọng điểm đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể thi công từ tháng 4/2022. Dự án mở mới gần 40km xuyên qua nhiều diện tích rừng với tổng số diện tích phải chuyển đổi mục đích sử dụng gần 71ha rừng tự nhiên, rừng trồng sản xuất, rừng phòng hộ. Áp lực về giải ngân hơn 800 tỷ vốn năm 2021, chưa kể khoảng 800 tỷ vốn năm 2022 buộc tỉnh Bắc Kạn phải tiến hành song song các nội dung thi công và hoàn thiện thủ tục.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác vào ngày 22/3/2022. Tuy nhiên, từ ngày 23 đến 26/5, khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng của cơ quan có thẩm quyền thì chủ đầu tư đã cho thi công giải phóng mặt bằng.

Quá trình thi công đã tác động ra ngoài phạm vi được chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng một số diện tích rừng tự nhiên sản xuất, thuộc khoảnh 6, tiểu khu 266; khoảnh 1, tiểu khu 273; khoảnh 2, 4, 8, tiểu khu 272 thuộc địa phận xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn. Việc thi công đã triển khai từ tháng 3 nhưng đến tháng 5/2022, chủ đầu tư mới nộp tiền trồng rừng thay thế là chưa đúng quy định của Luật Lâm nghiệp.

Trước những vi phạm này, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã yêu cầu tỉnh Bắc Kạn phải kiểm tra, xử lý những bất cập tồn tại trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ dự án.

Quá trình thi công dự án này, bắt đầu xuất hiện tình trạng một số nhà thầu đổ đất, đá sau san gạt gây tác động đến rừng. Tại đoạn tuyến qua xã Bằng Phúc, theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường sẽ thu hồi bố trí hai vị trí bãi đổ đất, đá sau san gạt. Khi hai vị trí này chưa có quyết định thu hồi để đưa vào phục vụ đổ đất, đá, nhà thầu thi công đã liên hệ với người dân có đất và có nhu cầu cho san lấp cải tạo đất rừng để làm bãi đổ. Việc thỏa thuận đổ đất, đá chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, chưa chuyển mục đích sử dụng rừng nên Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn đã lập biên bản. Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu khắc phục, chấn chỉnh.

Nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng đang nguy cơ chậm phê duyệt do vướng trong hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Dự án đường từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn do Ban quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, phấn đấu khởi công vào quý I/2023 nhưng đến ngày 12/9 vẫn chưa được phê duyệt.

Ngày 22/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 5561/BNN-TCLN về việc thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 gửi các tỉnh, thành phố. Theo đó, đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đang được Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đối với các diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng của các dự án.

Tuy nhiên, đến ngày 12/9, Bắc Kạn chưa thể hoàn thành việc điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đối với các diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án đường Chợ Mới đi thành phố Bắc Kạn. Do đó, áp lực về tiến độ, thời gian theo lộ trình đầu tư đang rất lớn.

Bất cập này không chỉ riêng đối với các dự án giao thông mà còn đối với cả các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nguyên nhân là việc thiếu đồng bộ, kết nối giữa các quy hoạch với quy hoạch 3 loại rừng. Không chủ động được việc đưa các diện tích cần chuyển mục đích sử dụng ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng dù quy hoạch giao thông, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã có dẫn tới tỉnh phải “chạy theo” việc lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng rất mất thời gian.

Bảo vệ rừng khi mở đường giao thông ở Bắc Kạn ảnh 1

Một đoạn mở mới đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể.

Cần giải pháp đồng bộ

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ đầu tư nhiều dự án kết cấu hạ tầng, chủ yếu là lĩnh vực giao thông và các dự án du lịch vì vậy nhiều diện tích rừng sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác.

Từng dự án khi có chủ trương đầu tư, Bắc Kạn đã nỗ lực nghiên cứu thiết kế để giảm đến mức thấp nhất việc tác động vào rừng, nhất là rừng tự nhiên. Cuối tháng 8/2022, tỉnh đã điều chỉnh hướng tuyến đường kết nối từ huyện Ba Bể sang Na Hang (Tuyên Quang) để tránh hoàn toàn việc tác động vào rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Ba Bể. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng tránh được rừng vì vậy cần phải có giải pháp đồng bộ.

Chi Cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, trước mắt, đơn vị kiến nghị tỉnh khẩn trương chỉ đạo rà soát đưa ra ngoài quy hoạch các diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng của các dự án đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục trình phê duyệt. Về lâu dài, đơn vị kiến nghị tỉnh rà soát tổng thể theo giai đoạn 5 năm một lần để chủ động đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng các diện tích cần chuyển đổi mục đích sử dụng.

Thời gian hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là rừng tự nhiên thường khá lâu do phải rà soát, thẩm định kỹ. Đây cũng là một trong những lý do được một số nhà thầu viện dẫn lý giải cho việc chậm thi công dù đã ứng hơn 50% vốn. Đồng thời dẫn tới việc đổ đất, đá vào rừng, đã có thỏa thuận với dân nhưng chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận, khi chủ đầu tư chưa chuyển được mục đích sử dụng rừng cho các vị trí đổ đất, đá đã được xác định.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu, đối với các diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong thời gian tới phải được đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sớm rà soát, đồng bộ, nâng cao chất lượng các quy hoạch kết cấu hạ tầng với quy hoạch 3 loại rừng đang là điều cấp thiết đối với tỉnh có nhiều rừng như Bắc Kạn.