Bắc Kạn phòng ngừa bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc

Nhờ sử dụng loại vắc-xin mới đi đôi với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cho nên hơn một năm nay, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc vốn kéo dài dai dẳng trước đây, đã được Bắc Kạn khống chế khá triệt để.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ thú y Bắc Kạn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc.
Cán bộ thú y Bắc Kạn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu mua vắc-xin cho đàn gia súc, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát.

Hiệu quả của vắc-xin mới

Giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc ở Bắc Kạn gần như là "kinh niên", năm nào cũng diễn ra, gây nhiều thiệt hại. Từ năm 2016 đến 2019, dịch xảy ra, gây bệnh trên hơn 1.400 con đại gia súc. Dịch không được khống chế và kéo dài dai dẳng. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, nguyên nhân chính là do người dân còn chủ quan trong chăm sóc đại gia súc, trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh không đạt kế hoạch đề ra. Từ năm 2016 đến 2020, việc tiêm phòng vắc-xin chỉ đạt từ 60%-80% kế hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có chợ trâu, bò Nghiên Loan (huyện Pác Nặm), mỗi phiên có khoảng 400 đến 600 con trâu, bò đến giao dịch, trong đó có hơn 60% là số trâu, bò của các tỉnh khác trên đường xuất sang Trung Quốc và đưa về chợ để giao dịch. Ðây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tồn dư trong môi trường và làm lây lan dịch bệnh. So với giai đoạn 2011-2015, thì giai đoạn 2016-2020 tại một số vùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, chủng vi-rút lở mồm long móng đã biến chủng sang các subtype khác. Phần lớn trâu, bò đưa về chợ theo đường mòn, lối mở cho nên ngành thú y không thể nào kiểm soát được toàn bộ.

Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn Ðỗ Xuân Việt cho biết, việc tiêm vắc-xin chưa hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kạn không khống chế được dứt điểm dịch lở mồm long móng. Thực tế, trước năm 2019, có nhiều nơi, đàn gia súc tiêm đầy đủ rồi vẫn bị nhiễm bệnh. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã triển khai tiêm vắc-xin lở mồm long móng mới là AFTOGEN OLEO (type O) có xuất xứ từ Công ty Biogénesis Bagó S.A Argentina. Sau tiêm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên vật nuôi của tám xã đại diện bốn huyện trên địa bàn tỉnh (các xã có ổ dịch cũ và các xã thuộc vùng nguy cơ cao với bệnh lở mồm long móng). Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong tổng số 160 con trâu, bò đã tiêm được lấy mẫu giám sát có hiệu giá kháng thể lở mồm long móng (≥ 1/128) đạt miễn dịch bảo hộ (nghĩa là không có khả năng mắc bệnh sau khi tiêm phòng) là 153/160 mẫu, chiếm tỷ lệ 95,65% số mẫu được giám sát.

Trên cơ sở kết quả khảo nghiệm này, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo sử dụng vắc-xin AFTOGEN OLEO tiêm đại trà cho đàn đại gia súc. Nhờ sử dụng vắc-xin mới, năm 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn chỉ còn xảy ra một số ổ dịch nhỏ ở bảy xã với khoảng 100 con trâu, bò nhiễm bệnh. Từ đầu năm 2022 tới nay, tỉnh không phát hiện thêm ổ dịch nào mới. Tỉnh cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, không để lan rộng, tái bùng phát diện rộng gây thiệt hại cho người dân.

Nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát

Hiện nay, Bắc Kạn đang rơi vào nguy cơ không có vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng để tiêm trong năm 2023 do không đấu thầu mua được vắc-xin. Từ tháng 3/2022 tới nay, tỉnh đã ba lần tổ chức đấu thầu mua vắc-xin, trong đó có vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng trị giá khoảng 3 tỷ đồng nhưng đều không thành vì không có nhà thầu tham gia. Nguyên nhân là do giá mời thầu quá thấp trong bối cảnh trượt giá hiện tại. Nếu như không mua được vắc-xin sớm thì tiêm phòng đợt một năm 2023 sẽ không thể thực hiện, nguy cơ làm giảm hiệu quả phòng, ngừa dịch bệnh.

Thiếu đội ngũ cán bộ và khó khăn trong cơ chế, chính sách cũng khiến Bắc Kạn rất khó thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát, khống chế dịch. Hiện tại, tỉnh còn bốn xã chưa có thú y viên; hơn 10 xã là thú y viên kiêm nhiệm, không có chuyên môn về thú y. Tình trạng thú y viên xin nghỉ việc vì thu nhập thấp diễn ra nhiều. Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cũng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ có chuyên môn về thú y. Việc sáp nhập, không còn duy trì mô hình Trạm thú y ở các huyện cũng khiến cho ngành thú y Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn. Ðiều này dẫn tới công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch bệnh trở nên thiếu hiệu quả. Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn Ðỗ Xuân Việt kiến nghị cần phải kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở theo Ðiều 6 của Luật Thú y và hướng dẫn quy định tại Quyết định 414/NÐ-CP ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Ðề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030". Trước mắt, cần phải bổ sung, kiện toàn đội ngũ thú y viên cơ sở và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tính chất nguy hiểm và biện pháp phòng, chống bệnh tới cộng đồng. Chủ chốt là vận động người chăn nuôi thực hiện "5 không": Không giấu dịch; không mua gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông, không tự vận chuyển gia súc mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc mắc bệnh bừa bãi. Hằng năm, tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin cho các huyện, thành phố để thực hiện.

Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi của các hộ dân còn lạc hậu, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch chưa cao, vẫn còn tình trạng giấu dịch, đồng thời tỷ lệ tiêm phòng hằng năm tại một số địa phương xảy ra dịch thấp dẫn đến nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao. Việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do các thương lái vận chuyển bằng nhiều hình thức, nhiều con đường khác nhau, mà ngành chuyên môn không kiểm soát hết được.

Do đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu xây dựng thành công các cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp xã hoặc vùng liên xã của nhiều huyện, thành phố, tiến tới xây dựng vùng an toàn cấp huyện. Tỉnh đặt mục tiêu giảm số lượng ổ dịch từ 10%-20% so với giai đoạn trước; đến 2025 xây dựng 1-2 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã hoặc liên xã; xây dựng, duy trì ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi đại gia súc an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng.