Bắc Kạn chủ động phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa

NDO - Để ứng phó với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, trong bối cảnh mùa mưa bão đã cận kề, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa, với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả”.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Công ty Điện lực Bắc Kạn tuyên truyền, hướng dẫn người dân huyện Chợ Mới phòng, tránh nguy hiểm từ lưới điện đi qua những cây to.
Cán bộ Công ty Điện lực Bắc Kạn tuyên truyền, hướng dẫn người dân huyện Chợ Mới phòng, tránh nguy hiểm từ lưới điện đi qua những cây to.

Những ngày này, Công ty Điện lực Bắc Kạn đang khẩn trương tiến hành các biện pháp theo phương án về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tại các huyện, thành phố, công nhân công ty đang kiểm tra, rà soát, kịp thời khắc phục, sửa chữa thay thế những thiết bị không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trước khi mùa mưa bão đến.

Công ty Điện lực Bắc Kạn đã thành lập đội xung kích; xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập ba nội dung trong một phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quản lý trình tự công việc bảo đảm an toàn cho người và thiết bị; xử lý sự cố điện và hệ thống viễn thông, theo các tình huống giả định.

Đoàn thanh niên Điện lực các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều đợt phối hợp với đoàn viên thanh niên địa phương xử lý cắt tỉa, chặt hạ cây trong hành lang an toàn lưới điện tại nhiều địa phương. Việc triển khai của Công ty Điện lực Bắc Kạn là điển hình trong nỗ lực phòng, chống thiên tai một cách chủ động ở tỉnh miền núi này.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn Bắc Kạn, với địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều đồi núi cao, Bắc Kạn là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai hằng năm, nhất là tình trạng bị lũ ngập, lũ quét, sạt lở đất... trong mùa mưa.

Trong năm 2022, thiên tai ở Bắc Kạn đã làm ba người chết, bảy người bị thương; 877 nhà ở và 12 phòng học, trường học bị hư hỏng; hơn 2.000ha cây trồng và 70ha ao nuôi nhỏ bị thiệt hại; 1.687 con gia súc, gia cầm bị chết; 54 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 437.890m3 đất đá trên các tuyến đường bị sạt lở. Ước thiệt hại về hoa màu, tài sản do thiên tai gây ra lên tới hơn 112 tỷ đồng.

Thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với tỉnh nghèo như Bắc Kạn, luôn thiếu trầm trọng kinh phí khắc phục, thì hậu quả lại càng nặng nề. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Bắc Kạn đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bắc Kạn chủ động phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa ảnh 1

Hỗ trợ người dân xã Cổ Linh (Pác Nặm) sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng do thiên tai xảy ra vào ngày 23/4.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, thực tiễn của năm 2022 cho thấy những mặt yếu kém, hạn chế trong phòng, chống thiên tai cần được khắc phục ngay. Đó là: hệ thống cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị về phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Một số công trình hồ đập xuống cấp, không bảo đảm an toàn trong công tác vận hành. Năng lực và các kỹ năng cơ bản trong sơ cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ... một số nơi còn yếu. Nhận thức của người dân về ứng phó với các loại hình thiên tai chưa cao. Công tác thông tin nhiều nơi chưa kịp thời. Nguồn kinh phí cho phòng ngừa, ứng phó, hỗ trợ khắc phục thiệt hại thiên tai còn ít so với yêu cầu thực tế.

Do đó, từ tháng 4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu các ngành, địa phương rà soát lại các nguồn lực. Trong đó, tỉnh yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, hồ chứa nước, công trình di dân tái định cư tại những khu vực sạt lở, công trình kè chống xói lở bờ sông, suối. Các đơn vị, địa phương rà soát, kiểm kê nguồn nhân lực, các vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai.

Bắc Kạn cũng xây dựng, chỉ đạo thực hiện 19 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2023. Cụ thể, như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dự báo, đặc biệt là phát triển phần mềm quản lý công trình phòng, chống thiên tai, đo mưa; tính toán mưa trên các lưu vực hồ lớn để đưa ra cảnh báo lũ và an toàn công trình; Thực hiện biện pháp "nông, lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất; phê duyệt và tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; Rà soát các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở, lũ quét để lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét sạt lở đất...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Đầu tư trang, thiết bị, công cụ hỗ trợ, nâng cao kỹ năng cho các lực lượng xung kích để chủ động với mọi tình huống từ xa, từ sớm. Tăng cường kiểm tra các điểm hồ chứa, các điểm nguy cơ sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến, quản lý tốt các bãi đổ thải. Đặc biệt cần tuyên truyền cho người dân nhận biết các hình thái thiên tai để có phương án chủ động phòng, chống.