Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nếu không được kiểm soát, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 11% GDP của khu vực Ðông Nam Á vào cuối thế kỷ này. Do đó, ứng phó biến đổi khí hậu luôn nằm trong các mục tiêu ưu tiên của ASEAN. Mỗi nước thành viên của Hiệp hội có các kế hoạch, cam kết riêng về ứng phó biến đổi khí hậu và hướng tới trung hòa các-bon.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự không đồng nhất trong chính sách ở cấp khu vực, làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp và hạn chế năng lực cạnh tranh của các nước thành viên. Do đó, một chiến lược ở tầm khu vực sẽ góp phần hỗ trợ các giải pháp của mỗi nước thành viên ASEAN, đồng thời tối ưu hóa lợi thế về tài nguyên, công nghệ… của các quốc gia để xây dựng một lộ trình trung hòa các-bon toàn diện hơn.
Chiến lược trung hòa các-bon của ASEAN đang được thúc đẩy xây dựng dựa trên các sáng kiến được thực hiện trong cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, cũng như các chính sách của từng nước thành viên, trong nhiều lĩnh vực, như nông, lâm nghiệp, năng lượng, giao thông... Hoàn cảnh kinh tế và sự phát triển của mỗi nước thành viên ASEAN cũng được tính đến trong quá trình xây dựng Chiến lược.
Theo đó, Chiến lược sẽ cung cấp hướng dẫn để các nhà hoạch định chính sách đưa ra biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm quá trình trung hòa các-bon của khu vực sẽ diễn ra công bằng, an toàn và toàn diện. Chiến lược này nhằm đẩy nhanh quá trình khử các-bon của khu vực để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0; bảo đảm sự tăng trưởng bền vững và duy trì khả năng cạnh tranh trong thương mại toàn cầu của các nước thành viên.
Xây dựng Chiến lược trung hòa các-bon của ASEAN là vấn đề được thảo luận tại Ðối thoại Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 9 diễn ra gần đây tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Indonesia. Buổi đối thoại do Ban Thư ký ASEAN tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua chương trình “Australia vì tương lai ASEAN-Kinh tế và Kết nối”.
Tại buổi đối thoại, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách AEC Satvinder Singh (X.Xinh) nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận tập thể trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải các-bon thấp, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều quy định về ứng phó biến đổi khí hậu và các biện pháp khuyến khích tài chính nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh. Nhất trí với ông Satvinder Singh về tầm quan trọng của Chiến lược trung hòa các-bon của ASEAN, Ðại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis (U.Nan-cơ-vít) khẳng định, Australia sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Hiệp hội nhằm hiện thực hóa một tương lai trung hòa các-bon tại khu vực.
Ðối thoại lần này có sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó có đại diện của nhiều doanh nghiệp. Bởi vậy, Phó Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh thông qua áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, thúc đẩy đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như các mô hình kinh doanh bền vững.
Các đại biểu tham dự cũng nhận định, việc thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững vừa mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được yêu cầu từ cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Là một trong những ưu tiên của Indonesia, nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, nội dung của Chiến lược trung hòa các-bon của ASEAN đang được Hiệp hội thúc đẩy xây dựng, cũng như tổng hợp, chọn lọc từ ý kiến đóng góp của nhiều bên. Những nội dung thảo luận và kết quả đạt được tại Ðối thoại AEC vừa qua cũng góp phần đẩy nhanh quá trình này.