Hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, APEC tập hợp sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế phát triển năng động khác. Đến nay, 21 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn, bao gồm 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp hơn 60% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu.
Sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, APEC tập trung triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn, như Chương trình nghị sự tăng cường về cải cách cơ cấu đến năm 2025, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến năm 2025, Kế hoạch kết nối tổng thể đến năm 2025, Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến năm 2030...
Ba trụ cột hợp tác chính của APEC, gồm tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế-kỹ thuật. Đây chính là cơ sở để các nhà lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC năm 1998, cùng năm với Peru, chủ nhà APEC năm nay. Trong 26 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực. Là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án của APEC, Việt Nam có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của Diễn đàn, thông qua đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC năm 2005-2006 và các vị trí như Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt của APEC.
Trong năm 2024, Việt Nam tích cực đóng góp cho tiến trình hợp tác APEC, triển khai nhiều sáng kiến, dự án về cải cách cơ cấu, tài chính, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững và bao trùm. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo chính sách kinh tế APEC năm 2025.
Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ ngày 9 đến 16/11 tại thủ đô Lima, Peru với chủ đề “Trao quyền, bao trùm, tăng trưởng”. Lần thứ ba là chủ nhà APEC, sau các năm 2008 và 2016, Peru đặt mục tiêu thúc đẩy cách tiếp cận mới với chương trình nghị sự hợp tác kinh tế của Diễn đàn trong bối cảnh những thách thức chưa từng có hiện nay. Peru nhấn mạnh thông điệp APEC sẽ viết tiếp câu chuyện về sự hòa nhập, bền vững và khả năng phục hồi, trong đó, chú trọng khía cạnh xã hội của tăng trưởng và phát triển kinh tế, đặc biệt là trao quyền cho những người dễ bị tổn thương nhất, khai thác các cơ hội của kỷ nguyên kỹ thuật số và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
35 năm qua, APEC duy trì vai trò là cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nội dung thảo luận chính của Diễn đàn năm nay xoay quanh các chủ đề, gồm thương mại và đầu tư để tăng trưởng bao trùm và kết nối; đổi mới và số hóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và kinh tế toàn cầu; tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường.