APEC khởi động Sáng kiến tài chính bền vững

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 vừa diễn ra tại Lima (Peru), với chủ đề “Bền vững + Kỹ thuật số + Phục hồi = APEC”. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí khởi động “Sáng kiến tài chính bền vững” nhằm ứng phó những thách thức mới của nền kinh tế khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC diễn ra tại Lima (Peru). Ảnh: REUTERS
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC diễn ra tại Lima (Peru). Ảnh: REUTERS

Chủ đề của cuộc họp nhằm khuyến khích một khu vực châu Á - Thái Bình Dương bền vững hơn, kỹ thuật số hơn, phục hồi hơn và tập trung hơn vào APEC. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thách thức nợ toàn cầu gia tăng, tác động của lãi suất cao, căng thẳng địa - kinh tế, gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, biến động giá hàng hóa và điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu (BĐKH)…

Theo ông José Arista Arbildo, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính nước chủ nhà Peru nhấn mạnh: “Mặc dù áp lực lạm phát giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng dần, triển vọng trung hạn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn không đồng đều và yếu hơn so trước đại dịch. Chúng ta thấy rằng nền kinh tế toàn cầu đang trên con đường phục hồi dần dần hoạt động kinh tế”.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu kết hợp cân bằng các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực, với sự hợp tác đa phương mạnh mẽ trong khu vực APEC là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. “Cách tiếp cận này rất cần thiết để thúc đẩy một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai”, ông José Arista Arbildo cho biết thêm.

Trong những năm gần đây, các sự kiện thời tiết cực đoan đã tăng về tần suất, thời gian và quy mô do BĐKH, đặt ra yêu cầu mỗi quốc gia phải tăng cường bảo vệ tài chính trong nước, tùy thuộc từng nền kinh tế và hoàn cảnh riêng của mình để chống lại những rủi ro như vậy nhằm hỗ trợ tính bền vững của tài chính công. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC có đoạn nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những rủi ro này do những tác động xã hội, tài chính và kinh tế cao có khả năng ảnh hưởng đến các lĩnh vực quan trọng như y tế, nhà ở, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, điện… Chúng tôi nhận ra sự liên quan của việc cải thiện quản lý tài chính đối với các rủi ro khí tượng thủy văn, có thông tin đáng tin cậy để định lượng rủi ro và xác định các chiến lược tài trợ tốt nhất”.

Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã nhất trí với việc Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok đảm nhận chức Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2025, khi nước này đăng cai chủ trì phiên họp sắp tới. Ông Choi đã đề xuất thảo luận về các cách thức phục hồi nền kinh tế năng động, thúc đẩy các chính sách tài chính thận trọng và được thiết kế hiệu quả, đồng thời tăng cường sự ổn định trong tài chính kỹ thuật số nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực. Chủ tịch vừa nhậm chức của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2025 đã tái khẳng định APEC cần đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra các giải pháp mới cho các vấn đề toàn cầu phức tạp.

Để theo đuổi các tiêu chí “Bền vững + Kỹ thuật số + Phục hồi”, các bộ trưởng tài chính đã khởi động Sáng kiến ​​tài chính bền vững, nhằm phối hợp và thúc đẩy chia sẻ thông tin tự nguyện và xây dựng năng lực về các vấn đề tài chính bền vững. Sáng kiến ​​này sẽ đi vào hoạt động từ năm nay và kết thúc vào năm 2027. Theo ông Choi, các biện pháp phòng ngừa đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng phục hồi và các hệ thống cảnh báo sớm.