Các diễn giả là các thành viên chính phủ, đại diện các trường đại học lớn đến từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam tham gia trao đổi nội dung về các xu hướng phát triển của cộng đồng học thuật và nghiên cứu trong khu vực, đồng thời tìm kiếm đề xuất triển vọng cho chính sách giáo dục ở các nền kinh tế thành viên APEC.
Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông Evgeny Vlasov điều hành phiên thảo luận cho biết Hội thảo tìm kiếm những giải pháp nhằm định hình giáo dục đại học đáp ứng toàn diện và hướng tới tương lai trong thế kỷ 21.
Các phiên trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: THUỲ VÂN) |
Các diễn giả tập trung làm rõ các vấn đề như liệu các chính sách của các nền kinh tế thành viên APEC có giải quyết đầy đủ những thách thức do toàn cầu hóa giáo dục đại học đặt ra hay các quy định hiện hành có theo kịp bối cảnh thay đổi nhanh chóng về hợp tác quốc tế.
Cơ chế quản trị hiện tại ở các nền kinh tế thành viên APEC có thuận lợi cho sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp hay cần tạo ra một cơ chế năng động hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang liên tục thay đổi.
PGS.TS Bùi Thành Nam, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết một trong những yếu tố Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian vừa qua là có sự đóng góp đáng kể của việc mở rộng giáo dục đào tạo.
Ông Bùi Thành Nam cũng cho biết Hội thảo là cơ hội để các trường đại học trao đổi tìm kiếm thông tin hợp tác cũng như mở rộng phương thức đào tạo, nhằm hài hòa lợi ích cho người học, cũng như tăng cường phát triển đào tạo hướng tới xây dựng nguồn lực lao động chất lượng cao cho xã hội.
Các diễn giả đến từ Nhật Bản và Trung Quốc cũng chia sẻ việc hợp tác liên kết đào tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các dự án quốc tế nhằm bảo tồn sự đa dạng văn hóa trong hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia.