Hồi 1 giờ ngày 20/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 116,6 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông của khu vực bắc và giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 5-10km/giờ.
Đến 1 giờ ngày 21/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 113,3 độ kinh đông, trên khu vực bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8, giật cấp 10. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 15km/giờ, có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 1 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc; 112,0 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 10-15km/giờ.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu dần.
Cảnh báo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 2-4.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới;
Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.