Với các tiêu chuẩn xanh mới, yêu cầu về công nghệ sản xuất, kiểm soát chuỗi cung ứng và năng lực quản trị sẽ ngày càng khắt khe, tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp. Khả năng chuyển đổi công nghệ, quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao kỹ năng cho người lao động cũng như đáp ứng các yêu cầu về báo cáo, khai báo sẽ là những yếu tố quyết định thành công.
Thách thức tạo cơ hội
Sau một năm 2023 đầy khó khăn, xuất khẩu da giày nửa đầu năm 2024 đã khởi sắc với kim ngạch đạt hơn 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay sẽ đạt khoảng 26-27 tỷ USD, là mức tăng khá so với con số hơn 24 tỷ USD của năm 2023. Nhưng theo Phó Chủ tịch Lefaso Phan Thị Thanh Xuân, ngành da giày vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, căng thẳng nhất là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.
Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đang áp đặt nhiều yêu cầu mới cho sản phẩm nhập khẩu liên quan đến trách nhiệm về xã hội và môi trường, ảnh hưởng mạnh đến ngành da giày Việt Nam. Ðơn cử, từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái, chuẩn mực về bền vững hay minh bạch trong chuỗi cung ứng,...
EU là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kim ngạch ngày càng lớn dưới tác động lan tỏa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Từ ngày 15/1/2020, khu vực này bắt đầu triển khai Thỏa thuận Xanh châu Âu (The European Green Deal - EGD), chương trình tổng thể và dài hạn nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu.
Theo nguyên tắc, Thỏa thuận Xanh ban đầu được thiết kế để điều chỉnh các hoạt động kinh tế trong phạm vi của EU. Nhưng trong nhiều trường hợp, các quy định của thỏa thuận này cũng có thể áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ bên ngoài EU, nhất là những hàng hóa được tiêu thụ, lưu thông tại thị trường chung.
Vì vậy, Thỏa thuận Xanh không chỉ giới hạn trong EU mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác, nhất là những nước có quan hệ thương mại lớn với EU như Việt Nam. Ðiều này có nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu mới do Thỏa thuận Xanh đặt ra. Thực tế sau 4 năm thực hiện Thỏa thuận Xanh, EU đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu.
Có thể kể đến Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F) và Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (CEAP), tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến. Ngoài ra, các chính sách về đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh các-bon tại biên giới (CBAM) cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, CBAM sẽ đánh thuế đối với các mặt hàng sắt thép, nhôm, xi-măng, phân bón, hydro nếu không đạt được mức phát thải phù hợp và tương lai có thể mở rộng thêm với hàng thủy sản, dệt may, da giày,…
Chuẩn bị và hành động sớm
Ðánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, ngành thép trong nước có đặc thù phát thải ở mức rất cao, mỗi năm thải ra tương đương 3,5 tỷ tấn khí thải các-bon, chiếm khoảng 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% lượng phát thải công nghiệp.
Do đó, tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU không nhỏ, buộc doanh nghiệp ngành thép phải sớm thay đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, kỹ thuật,... từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng phát thải các-bon thấp, đáp ứng yêu cầu của sản xuất bền vững nếu muốn tiếp tục hợp tác với thị trường này.
Tuy nhiên, trước áp lực “xanh hóa” của nền công nghiệp toàn cầu, Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Ða lại nhìn thấy cơ hội “lột xác” cho ngành thép theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững. Bởi theo các chuyên gia, ngành thép còn nhiều tiềm năng để giảm phát thải thông qua áp dụng công nghệ mới như sử dụng năng lượng hydro, lò nung điện tái tạo, công nghệ thu giữ các-bon,… Ðây chính là mục tiêu ngành thép đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng các doanh nghiệp vẫn “lười” chuyển động do chưa phải hứng chịu sức ép.
Mặc dù các chính sách “xanh” đang đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng chuyển đổi xanh cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Ðơn cử, các tiêu chuẩn xanh của EU rất khắt khe, nhưng nếu chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đáp ứng. EU thường công bố dự thảo chính sách và công khai lấy ý kiến đóng góp từ rất sớm, giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng.
Hơn nữa, lộ trình triển khai các chính sách này cũng thường diễn ra từ từ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện từng bước. Không những vậy, nhiều tiêu chuẩn xanh chỉ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi một số quy trình làm việc hoặc cách thức khai báo thông tin, chứ không nhất thiết đòi hỏi đầu tư quá lớn. Thậm chí, một số tiêu chuẩn mới của EU từng là những tiêu chuẩn tự nguyện mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Quan trọng hơn, bằng cách chủ động thích ứng với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ có ưu thế tiếp cận thị trường sản phẩm xanh đầy tiềm năng khi nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu ngày càng hướng tới các sản phẩm bền vững.
Các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, tổ chức có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng xanh của doanh nghiệp thông qua cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; phối hợp với các thị trường xuất khẩu nhằm trao đổi về cách thức thực thi phù hợp cũng như chương trình hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về công nghiệp xanh, để doanh nghiệp và người dân thấy rõ phát triển công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích như bảo vệ tài nguyên môi trường, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng môi trường sản xuất, kinh doanh cũng như sức khỏe người lao động...
Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương)