Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp trong khu vực.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành cho biết: Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. “Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh.
Điều này, không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh. Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: Chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 6 trong 10 tỉnh, thành phố có điểm PCI cao nhất năm 2023. Riêng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) có sự thăng hạng vượt bậc, từ xếp thứ 19 (năm 2022) lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu dù đã có sự cải thiện, tăng điểm, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều dư địa để cải cách. “Để đạt mục tiêu giữ vững vị trí trên bảng xếp hạng, tỉnh mong muốn các chuyên gia, đại biểu dự hội nghị thẳng thắn phân tích, đưa ra một số gợi ý, góp ý tưởng để Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung tiếp tục cải thiện bền vững các chỉ số thành phần, nâng cao các chỉ số”, ông Lê Ngọc Khánh nói.
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Hiện tại tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp hoạt động; trong đó, có hơn 1.600 doanh nghiệp nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.
Cụ thể, tỉnh thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, triển khai đề án Chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ, thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp Amata sang mô hình khu công nghiệp sinh thái theo hướng toàn cầu. Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu Net zero vào năm 2050. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành đề án giảm thiểu khí thải các-bon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Trần Trọng Toàn chia sẻ: Năm 2023 tỉnh được xếp hạng thứ 3 cả nước về chỉ số PGI. Để duy trì chỉ số này, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung các giải pháp nhằm cải thiện và nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giám sát tuân thủ các quy chuẩn/tiêu chuẩn về môi trường, thúc đẩy thực hành xanh và giải pháp xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó chất thải; qua đó, nhận diện được nguồn nguy cơ gây ra sự cố, các kịch bản sự cố và trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng ngừa sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
Nói về vai trò của nhân tố vùng trong tăng trưởng, Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Cần hoàn thiện cơ chế khuyến khích trọng điểm vào các ngành nghề mà vùng có lợi thế so sánh; từ đó, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực có chất lượng gắn với khai thác lợi thế so sánh đặc thù của địa phương, của vùng.
Kinh tế xanh hiện đang chuyển rất nhanh và mạnh. Các nhà đầu tư FDI đang kỳ vọng vào khuôn khổ pháp lý để họ đầu tư, nếu không có thì họ bắt buộc phải rời thị trường. Cụ thể, theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ vẫn than phiền về “gánh nặng” thanh tra, kiểm tra trùng lặp; cải cách hành chính có tốt nhưng mới ở thủ tục ban đầu, những thủ tục tiếp theo còn làm cho doanh nghiệp chưa hài lòng...
Thời gian qua, các tỉnh Đông Nam Bộ đã có những thành tích đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xanh, như nâng cao sự nhận thức, có hệ thống chính sách pháp luật, có quy hoạch; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có cơ sở dữ liệu lớn tập trung, không gian đổi mới sáng tạo bị hạn hẹp và có rủi ro.
Môi trường kinh doanh và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của khu vực Đông Nam Bộ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước.