Áp lực của ngành dầu khí

Thời gian qua, ngành dầu khí Việt Nam đối diện nhiều khó khăn trước biến động khó lường của thị trường dầu mỏ thế giới; xu thế chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh chóng, tình hình địa chính trị tại một số quốc gia diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí sản xuất tăng cao,...
0:00 / 0:00
0:00
Xuất bán dầu thô của Cửu Long JOC.
Xuất bán dầu thô của Cửu Long JOC.

Trong bảy tháng qua, tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của PVN đều hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 3% đến 28%; một số chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2022 như sản xuất điện tăng 62,3%; xăng dầu tăng 5,4%,... Hiện Tập đoàn vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới.

Tổng sản lượng khai thác quy dầu của đơn vị trong bảy tháng qua đạt 2,15 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch; sản lượng khí bán đạt 713 triệu m3, vượt 23% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 23.046 tỷ đồng, đạt 136% kế hoạch, bằng 81% kế hoạch năm; nộp ngân sách 10.244 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch; lãi nước chủ nhà 3.226 tỷ đồng. Trong tháng 8, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm duy trì vận hành thiết bị khai thác ổn định; phấn đấu sản lượng khai thác quy dầu đạt 0,24 triệu tấn.

Trần Hồng Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP)

Ðồng thời, thực hiện hoạt động phát triển tại các dự án mỏ Ðại Hùng pha 3 Lô 05-1(a), mỏ Sư Tử Trắng pha 2B Lô 15-1, mỏ KNT & KTN Lô 09-2/09, Lô B&48/95 và Lô 52/97, mỏ Cá Voi Xanh Lô 117-119, mỏ BRS/MOM Lô 433a&416b (Algeria) và các dự án trọng điểm khác.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương khẳng định, thời điểm đầu năm, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, không còn thuận lợi như năm 2022 khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Bằng sự quyết tâm vượt khó, áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp như quản trị biến động, tiết giảm chi phí, cân đối tài chính, tối ưu hóa sản xuất,... đã giúp BSR đạt kết quả sản xuất kinh doanh khả quan.

Cụ thể, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ của đơn vị trong 6 tháng năm nay đạt khoảng 3.546 triệu tấn sản phẩm, doanh thu 67.741 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.008 tỷ đồng. Công ty cũng chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thêm sáu loại sản phẩm nhiên liệu và năm loại sản phẩm hóa dầu.

Số liệu thống kê của PVN cho thấy, tổng sản lượng khai thác dầu toàn tập đoàn trong bảy tháng qua đạt 6,20 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 4,79 tỷ m3, vượt 28,4%; sản xuất và cung ứng điện đạt 14,94 tỷ kW giờ, vượt 8,8%; sản xuất đạm đạt 1,04 triệu tấn, vượt 10,7%; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) đạt 4,18 triệu tấn, vượt 25,3% kế hoạch, bằng 75,6% kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 495,7 nghìn tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch, đạt 73% kế hoạch năm; nộp ngân sách đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch, hoàn thành kế hoạch năm và về đích trước 5 tháng.

Lãnh đạo PVN cũng cho biết, trong tháng 7 vừa qua, công tác đầu tư tiếp tục được Tập đoàn chú trọng, triển khai tích cực như hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành dự án LNG Thị Vải từ ngày 10/7/2023, đã cung cấp cho thị trường đến 31/7/2023 đạt 20 triệu m3 LNG; hoàn thành đầu tư đưa công trình giàn RC8 của Vietsovpetro vào khai thác từ ngày 15/7/2023, sớm hơn so với kế hoạch 30 ngày.

Ðầu năm, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) và Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng đối diện nhiều khó khăn khi thị trường phân bón cạnh tranh cao, biến động; giá bán phân bón có xu hướng giảm nhanh, duy trì ở mức thấp; nhu cầu phân bón nội địa giảm, tiêu thụ khó khăn,...

Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp đã chủ động bám sát diễn biến thị trường, giám sát chặt biến động về giá dầu, giá khí và giá phân bón để có các giải pháp quản trị, điều hành linh hoạt, giúp sản lượng sản xuất và kinh doanh urê, mặt hàng chủ lực trong sáu tháng vượt kế hoạch.

Mặc dù Nhà máy Ðạm Phú Mỹ dừng bảo dưỡng tổng thể, nhưng sản lượng sản xuất urê của đơn vị vẫn đạt 107%, lượng urê kinh doanh đạt 114%. Sản lượng sản xuất urê quy đổi của Ðạm Cà Mau đạt 101%, lượng urê tiêu thụ đạt 112%. Do giá nguyên nhiên liệu tăng cao, giá phân bón giảm mạnh, nhu cầu thị trường giảm dẫn đến chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch.

Theo dự báo, những tháng cuối năm thị trường phân bón tiếp tục đối diện nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn theo dõi sát sao, dự báo chính xác để điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt, hiệu quả.

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng, áp lực tăng trưởng của tập đoàn trong những tháng cuối năm rất lớn, với việc kiên định hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch quản trị đặt ra. Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần tiếp tục tập trung công tác đánh giá, dự báo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện từng tháng, từng quý để bù đắp những chỉ tiêu sản lượng thiếu hụt theo kế hoạch quản trị.