Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dầu khí

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành dầu khí Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc trước diễn biến khó lường của thị trường dầu mỏ thế giới, các mỏ dầu khí suy giảm sản lượng tự nhiên; những bất cập trong cơ chế, chính sách đầu tư,...
0:00 / 0:00
0:00
Giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm được đưa vào khai thác năm 2022. (Ảnh: nhandan.vn)
Giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm được đưa vào khai thác năm 2022. (Ảnh: nhandan.vn)

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong thời gian tới, toàn ngành đã triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nhằm tận dụng tốt cơ hội thị trường, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc năm lĩnh vực cốt lõi đều có mức tăng trưởng cao, từ 3% đến 26% so với năm 2021.

Hiệu quả vượt kế hoạch

Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) Trần Hồng Nam cho biết, do chủ động áp dụng các giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất được an toàn, liên tục cũng như thực hiện các giải pháp tối ưu, tiết giảm chi phí, chủ động thích ứng với những biến động của thị trường đã giúp đơn vị hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Năm 2022, sản lượng khai thác quy dầu đạt 3,66 triệu tấn, đạt 115%; tổng doanh thu đạt 44.500 tỷ đồng, đạt 174%; nộp ngân sách 15.270 tỷ đồng, đạt 213% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế trước phân bổ chi phí đạt 14.750 tỷ đồng.

PVEP hiện đang triển khai 35 dự án dầu khí, trong đó có 29 dự án trong nước, sáu dự án nước ngoài và một dự án điều tra cơ bản, điều hành thuê hai dự án và vận hành mỏ Sông Đốc theo cơ chế phi lợi nhuận. Hoạt động khoa học-công nghệ tại các phòng, ban tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, sáng chế, nghiên cứu khoa học, đưa vào ứng dụng thực tế nhằm giảm chi phí Capex/Opex,...

Năm 2022, sản lượng khai thác quy dầu đạt 3,66 triệu tấn, đạt 115%; tổng doanh thu đạt 44.500 tỷ đồng, đạt 174%; nộp ngân sách 15.270 tỷ đồng, đạt 213% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế trước phân bổ chi phí đạt 14.750 tỷ đồng.

Năm 2023, mặc dù dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là ảnh hưởng của xu thế chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ nhưng đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kế hoạch được giao.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) Bùi Ngọc Dương cho biết, năm 2022, BSR đã quản trị biến động, tận dụng cơ hội của thị trường dầu mỏ, điều hành quyết đoán, bán hàng linh hoạt, kết hợp duy trì vận hành sản xuất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất cao trên công suất thiết kế của nhà máy (có những thời điểm lên đến 112% công suất thiết kế để giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa), qua đó, giúp đơn vị đạt kết quả vượt xa kế hoạch được giao.

Cụ thể, sản lượng sản xuất và xuất bán vượt từ 7-8%, tương ứng khoảng 7 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu đạt hơn 166,9 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 18,3 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 12,2 nghìn tỷ đồng. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt hơn 37,1 triệu giờ công an toàn; BSR cũng không ngừng củng cố và hoàn thiện hệ thống quản trị theo mô hình công ty cổ phần và là một trong những đơn vị đi đầu tại PVN trong công tác chuyển đổi số.

Ngoài ra, BSR thường xuyên nghiên cứu tối ưu hóa chi phí, cơ cấu sản phẩm, xúc tác hóa phẩm và nguồn nguyên liệu dầu thô - mở rộng giỏ dầu từ hai loại dầu thiết kế lên hơn 80 loại dầu thô tiềm năng, trong đó đã chế biến thành công thêm 29 loại dầu thô tiềm năng tại nhà máy,...

Tận dụng tốt cơ hội thị trường

Số liệu thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy, tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3-26%, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển. Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, vượt 21,2% kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2021. Hoàn thành đưa vào khai thác năm mỏ/công trình dầu khí, nhiều hơn một công trình và sớm hơn so với kế hoạch đề ra từ 15 ngày đến 2 tháng.

Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch trước hai tháng 11 ngày, cả năm đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 8,08 tỷ m3, tăng 8,3%; sản lượng điện đạt 17,64 tỷ kW giờ, tăng 10,2% so với năm 2021. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch trước bốn tháng, cả năm đạt 931,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch, tăng 48% so với năm 2021. Nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch trước sáu tháng, năm 2022 đạt 170,6 nghìn tỷ đồng, vượt 2,64 lần kế hoạch, tăng 52% so với năm 2021,...

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, trong ba năm gần đây, bên cạnh những khó khăn chung, Tập đoàn còn chịu tác động bởi các khó khăn đặc thù như: Phạm vi hoạt động; tốc độ dịch chuyển năng lượng nhanh hơn dự kiến; khủng hoảng chuỗi cung ứng; biến động giá dầu,...

Tuy nhiên, sự linh hoạt triển khai các giải pháp, nhất là quản trị biến động, là yếu tố quan trọng, quyết định toàn diện đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn Tập đoàn, trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của PVN. Bên cạnh đó, công tác dự báo, đón đầu xu hướng và tận dụng tốt cơ hội thị trường, giữ vững, duy trì những thành quả tích cực đạt được trong sáu tháng đầu năm 2022 để lập nên nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển ngành dầu khí Việt Nam.

Trong đó, doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt mức cao nhất từ trước đến nay; sản xuất đạm đạt mức kỷ lục kể từ khi sản xuất tấn đạm đầu tiên vào quý IV/2004 đến nay. Hầu hết các đơn vị chủ lực của Tập đoàn đều đạt kỷ lục về tài chính. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tương đương gần 9,8% GDP, nộp ngân sách chiếm tỷ trọng 9,5% tổng thu ngân sách cả nước. PVN đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Lê Mạnh Hùng đánh giá, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn, thách thức xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tạo sức ép rất lớn đến công tác quản trị, điều hành của Tập đoàn.

Để hoàn thành mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí từ 8 đến 16 triệu tấn quy dầu, sản lượng khai thác dầu đạt 9,29 triệu tấn, khai thác khí từ 5,94-8,11 tỷ m3, sản xuất đạm 1,6 triệu tấn; tổng doanh thu đạt 677,7 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 78,3 nghìn tỷ đồng..., Tập đoàn phải quyết liệt triển khai đồng bộ, khoa học, linh hoạt tổng thể sáu nhóm giải pháp trọng tâm: Cơ chế chính sách, quản trị và quản lý doanh nghiệp, tài chính, đầu tư, thị trường, khoa học-công nghệ.

Cụ thể, cần tập trung các nhiệm vụ về quản trị rủi ro, cập nhật quy trình, quy chế quản trị nội bộ, tuân thủ pháp luật; tiếp tục thực hiện chiến lược, lộ trình chuyển dịch năng lượng; kiểm soát vốn và tài sản, quản trị tốt công nợ phải thu, nâng cao hiệu quả dòng tiền; triển khai thu xếp vốn cho các dự án đầu tư bằng chi phí hợp lý và tối ưu; mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; làm tốt công tác dự báo, chuyển đổi mô hình kinh doanh linh hoạt phù hợp với tốc độ chuyển dịch kinh tế số cũng như chuyển dịch năng lượng; củng cố, mở rộng chuỗi liên kết giá trị từ cung cấp nguyên, nhiên liệu, sản xuất, tiêu thụ nhằm tối ưu chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh...

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cần quyết liệt triển khai đồng bộ, khoa học, linh hoạt tổng thể sáu nhóm giải pháp trọng tâm: Cơ chế chính sách, quản trị và quản lý doanh nghiệp, tài chính, đầu tư, thị trường, khoa học-công nghệ.