PVN là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Tính đến hết năm 2022, tổng quy mô tài sản hợp nhất của PVN là 987,53 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 522,5 nghìn tỷ đồng; được tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp lọc hóa dầu,...
Hiện tổng công suất lắp đặt trong lĩnh vực điện của PVN đạt 6.605MW, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng phát điện của quốc gia, đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.
Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, việc Chi nhánh Phát điện dầu khí được thành lập để thực hiện chức năng quản lý, khai thác, tổ chức vận hành, bảo dưỡng, sản xuất kinh doanh cho các nhà máy điện do PVN đầu tư, trước mắt là hai Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Sông Hậu 1.
Với quy mô, vị trí, vai trò của lĩnh vực điện tại công ty mẹ - PVN đầu tư trước mắt hai nhà máy điện lên tới gần 85 nghìn tỷ KWh, dự kiến khi phát điện doanh thu của chi nhánh điện đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Đội ngũ, nhân lực của Chi nhánh Phát điện dầu khí hơn 1.000 lao động kỹ thuật cao và công nhân kỹ thuật sẽ là một trong những đơn vị lớn, có vai trò quan trọng trong tổ hợp dầu khí, trong toàn PVN.
PVN ký thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II
Do đó, bên cạnh những giải pháp đề ra, thời gian tới, chi nhánh cần khẩn trương triển khai mô hình quản trị của mình và các nhà máy, gắn liền với việc kiện toàn các nhân sự chủ chốt. Khẩn trương ban hành hệ thống quy định quản trị; hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở quản lý, giám sát các hoạt động của Chi nhánh và các nhà máy điện.
Chi nhánh cần khẩn trương, phối hợp với các ban của PVN triển khai công tác chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nhà máy điện để tích hợp vào hệ thống quản trị, nguồn lực tổng thể mà Tập đoàn đang triển khai. Xây dựng, tổ chức đội ngũ kinh doanh điện khi phải tham gia vào thị trường điện cạnh tranh,...
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, việc thành lập Chi nhánh Phát điện dầu khí đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn để quản lý vận hành các nhà máy điện do PVN làm chủ đầu tư. Là một đơn vị mới thành lập, con đường phía trước của Chi nhánh Phát điện dầu khí còn dài, còn nhiều khó khăn cần vượt qua.
Vì vậy, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu PVN cần sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành để bảo đảm Chi nhánh Phát điện dầu khí hoạt động hiệu quả, tinh gọn, khả thi, không thất thoát vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại PVN.
Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chi nhánh Phát điện dầu khí sẽ tiếp nhận quản lý, vận hành 3 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 3.600MW, với tổng tài sản được giao quản lý hơn 87,8 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm tài sản của Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1). Trong tương lai, nếu Chi nhánh Phát điện dầu khí tiếp nhận, quản lý vận hành thêm các nhà máy nhiệt điện miền trung 1 và 2, với tổng công suất 1.500 MW, lúc này tổng công suất của các nhà máy lên tới 5.100MW.
Với quy mô lớn như vậy, Chi nhánh Phát điện dầu khí sẽ cùng với PVPower, các tổng công ty phát điện khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ là các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện, an ninh năng lượng đất nước.