Tổ hợp tác Kiệu hương Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có hơn 40 tổ viên đang vào mùa trồng kiệu với diện tích khoảng hơn 3ha. Kiệu ở đây chủ yếu được trồng trên các triền đồi cao, có độ dốc. Vào tháng 8 âm lịch, bà con bắt đầu xuống giống cho vụ chính này trong năm. |
Chú Nguyễn Châu (70 tuổi), tại thôn Thạch Nham Tây đang trồng khoảng 500m2 kiệu. Chú kể, từ lúc nhỏ, tầm 10 tuổi đã theo mẹ ra đồng trồng kiệu, rồi duy trì cho đến bây giờ. |
Chú Châu chia sẻ: “Từng này kiệu cho thu về khoảng 20 triệu đồng không kể công, chi phí. Chúng tôi bao nhiêu năm qua vẫn gọi là “Tết kiệu”, vì ở đây làm kiệu, ăn Tết cũng kiệu này, mua sắm áo giấy, lo tiên linh ông bà cũng nhờ kiệu này, không có kiệu để bán thì cũng rất khó khăn”. |
Chị Nguyễn Thị Bông, tổ trưởng Tổ hợp tác Kiệu hương Hòa Nhơn đang trồng khoảng 0,5ha kiệu. Dự kiến cho thu hoạch về khoảng 2,5 tạ kiệu tươi. |
Hiện gia đình chị đang đang làm theo hướng khép kín, thu mua sản phẩm từ các thành viên trong tổ hợp tác, chế biến thành phẩm cung cấp cho thị trường. |
Vào dịp Tết, chị cung ứng ra các sản phẩm: kiệu tươi, kiệu dầm mắm, kiệu chua ngọt, kiệu sấy, kiệu dầm chay. Riêng sản phẩm “Kiệu hương dầm mắm Hòa Nhơn” của chị đạt chứng nhận OCOP 4 sao. |
Gần đó, trên cánh đồng Nam Sơn, các hộ dân xã Hoà Tiến cũng đang vào vụ chăm sóc kiệu. Người dân Nam Sơn cho hay, từ khoảng năm 1975, những cánh đồng kiệu đã được trồng xuống cho vụ Tết, đến bây giờ. |
“Trồng kiệu cho vụ Tết vừa là truyền thống, là một món ăn không thể thiếu của mỗi nhà, nhưng cũng là một nguồn thu nhập để gia đình có kinh phí trang trải mua sắm Tết” - cô Lê Thị Mùi, thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến tâm sự. |
Kiệu sẽ được chăm sóc tổng 3 lần nhổ cỏ, xới đất, bón phân. Khoảng giữa tháng tháng 12 âm lịch bắt đầu thu hoạch. Kiệu tươi dịp Tết rất dễ tiêu thụ, giá cũng ổn định, mỗi kg dao động từ 25 ngàn đồng đến 40 nghìn đồng. |
Bởi vậy, nhiều gia đình vẫn duy trì nghề trồng kiệu, vừa có thêm thu nhập, cũng là một cái “hẹn” mỗi dịp cuối năm. |