Cây kiệu được người nông dân trồng quanh năm, chia làm 2 vụ, nhưng vụ Đông Xuân là chính. Từ tháng 8 âm lịch bà con đã xuống giống sản xuất, đến tháng 12 âm lịch là có thể thu hoạch bán Tết. |
Trên diện tích hơn 2 sào đất ven đồi, gia đình bà Nguyễn Thị Trứ (68 tuổi) đang khẩn trương thu hoạch kiệu, loại cây trồng hàng hóa chủ lực của gia đình bà vào các dịp cuối năm. |
Bà Trứ chia sẻ: “Ở đây có hộ trồng nhiều nhất là hơn 2 sào, ít nhất là 1 sào, năng suất bình quân đạt từ 300kg đến 400kg/sào. Năm nay giá kiệu dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, có thể thu về lợi nhuận từ 14-18 triệu đồng/sào”. |
Sau khi nhổ, tận dụng nước từ khe suối dưới chân đồi, bà con mang ra rửa kiệu qua một lượt để sạch đất bám ở rễ kiệu trước khi đem về nhà rửa lại. |
Trồng kiệu không chỉ giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa của làng quê. |
Thuộc đời thứ ba trong gia đình có truyền thống làm nghề kiệu lâu năm, bà Trần Thị Hồng (48 tuổi) cho biết: “Làm kiệu thì có cực nhưng đây cũng là cây trồng giúp gia đình tôi và bà con nơi đây ổn định kinh tế, đặc biệt là tạo thêm nguồn thu dịp Tết”. |
Tổ hợp tác Kiệu hương Hòa Nhơn được Ủy ban Nhân dân xã Hòa Nhơn thành lập từ năm 2019, nhằm đưa kiệu hương trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Hiện tại, có 60 hộ dân tham gia vào Tổ hợp tác với gần 3ha đất. |
Những ngày nắng gắt là điều kiện lý tưởng để phơi kiệu. |
Sau khi được phơi héo nắng, kiệu sẽ được tỉa gọt sạch và cho vào hũ để muối. |
Sản phẩm của cơ sở kiệu hương Hòa Nhơn được bán với giá từ 40.000-70.000 đồng/hũ. Đây là dòng thực phẩm được người dân nơi đây lựa chọn sử dụng thường xuyên trong dịp Tết. Vì vậy, việc tiêu thụ dịp này giúp bà con ổn định đầu ra và tạo dựng thương hiệu trên thị trường. |