Từ năm 2002, bắt đầu có những hộ dân về sinh sống trên lòng hồ Trị An. Hằng ngày họ sinh sống bằng việc đánh bắt cá trên hồ bán cho thương lái cũng như lên bờ làm thuê cho các nhà hàng. |
Sau 20 năm, từ vài hộ dân ban đầu đến nay xóm chài, nay đã có tới 40 hộ dân với gần 170 nhân khẩu. Để tiện cho việc quản lý các hộ dân, xã Thanh Sơn đã thành lập tổ nhân dân số 13 thuộc ấp 5 bao gồm toàn bộ các hộ dân đang sinh sống ở đây. |
Vì nhiều lý do khác nhau, các hộ dân không còn giữ giấy tờ tùy thân cho nên các em sinh ra ở làng bè cũng chung cảnh ngộ. Việc này đã ảnh hưởng đến việc đi học của các em khi đủ tuổi đến trường. Do vậy, đại đức Thích Chơn Nguyên mở lớp học tình thương để tạo điều kiện cho các em có cơ hội được biết đọc, biết viết, biết làm toán. |
Đại đức Thích Chơn Nguyên mở lớp dạy chữ, dạy đạo lý cho trẻ với mong muốn giản đơn: con chữ sẽ giúp cho đám trẻ tìm được tương lai tươi sáng hơn. |
Hiện lớp học có khoảng 30 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học 6 ngày/tuần (trừ thứ Hai), bắt đầu từ 8 giờ sáng. Buổi trưa thầy Nguyên chuẩn bị cơm, canh và sữa cho học sinh. Ăn trưa xong, các em ngủ tại bè để chiều học tiếp đến 16 giờ, sau đó mới trở về nhà. |
Lớp học duy trì việc dạy các em từ mẫu giáo cho đến hết lớp 5, hầu hết các em đều đi học muộn so với tuổi của mình. Nhiều em không nhớ ngày tháng năm sinh của mình. Vì vậy, lớp chọn ngày 1/6 là ngày sinh nhật chung của tất cả các bạn. |
Mọi chi phí ăn uống, sách vở, quần áo các em mặc đến lớp đều do thầy Nguyên và nhà hảo tâm đóng góp. |
Có một số cô giáo, anh chị hỗ trợ thầy kèm các em học hằng ngày hoặc vào những lúc rảnh rỗi. |
Thầy Nguyên tâm sự: Tôi dạy theo từng năng lực mỗi bé chứ không dạy kiểu lấy thước đo chung cho tất cả. Quan trọng là khả năng hòa nhập và tiếp thu của các bé. Tôi không kiểm tra định kỳ mỗi tháng hay mỗi tuần, mà đánh giá năng lực qua từng buổi học. |
Các em học sinh phấn khởi khi được đến lớp, vừa có thêm các bạn mới, vừa được học, nếu không hiểu thì thầy, cô sẽ hướng dẫn luôn. Các em đều cố gắng hoàn thành bài ngay ở trên lớp. |
Để lớp học duy trì suốt nhiều năm qua, các mạnh thường quân đã chung tay góp sức bằng những việc làm thiết thực như hỗ trợ quần áo đồng phục cũ, nhu yếu phẩm chia sẻ phần nào khó khăn cho gia đình các em. |
Ngoài quần áo đi học (2 bộ mỗi năm), bánh kẹo, mỗi em được phát 1 cặp sách mới khi đến lớp hằng ngày. Sách giáo khoa và vở viết phục vụ học tập được cập nhật thường xuyên để không em nào thiếu sách vở khi đến lớp. |
Sự hồn nhiên, đáng yêu thể hiện trên khuôn mặt của các em học sinh ở lớp học tình thương khi được giải lao sau những tiết học. |
Ở lớp học hiện nay, học sinh nhỏ nhất mới 6 tuổi, lớn nhất 15 tuổi, do đó lớp học có nhiều độ tuổi và trình độ khác nhau. Những em học cùng lớp với nhau nhưng do lớn tuổi hơn sẽ có khả năng tiếp thu tốt hơn vì vậy khi cần sẽ hỗ trợ, hướng dẫn bạn học cùng lớp với mình. |
Tan buổi học, trong tiếng cười giòn tan, tiếng gọi nhau í ới, những đứa trẻ vẫn nán lại lớp để trao đổi và nói nốt câu chuyện còn dang dở lúc giải lao. Có bạn lại tranh thủ trao đổi bài với nhau. |
Có lớp học, có thầy và cô, người dân ở đây rất phấn khởi. Các em có cơ hội biết chữ, làm toán và có cơ hội được học cao hơn. Sự ngóng trông của phụ huynh trước giờ tan học đã thể hiện phần nào sự kỳ vọng đó. |
Trước khi kết thúc một ngày học, các em sẽ dọn dẹp, vệ sinh phòng học của mình để chuẩn bị cho buổi học sau. |
Tan học, nếu không có bố mẹ đón, những đứa trẻ lại dắt nhau xuống xuồng, đứa lớn kèm đứa nhỏ, cứ thế từng đứa nhỏ sẽ được các anh chị đưa về bè nhà mình. |
Giữa sóng nước hồ mênh mông, lớp học đặc biệt của vị sư thầy là sợi dây gắn kết cư dân cả làng bè nghèo khó bằng tình thương, bằng hy vọng vào một tương lai xán lạn hơn. |
Đại đức Thích Chơn Nguyên trăn trở: Chúng tôi dạy các em biết chữ chứ không cấp bằng cấp cho các em được, dạy các em biết đọc, biết viết, thay đổi hành vi, lối sống, dạy cách làm người. Nếu không được học, không biết tương lai của các em như thế nào. Đó cũng là cách tốt nhất mà các thầy cô có thể nghĩ được cho đến lúc này. |