Vũng Liêm là một huyện nông thôn nằm ở phía Đông tỉnh Vĩnh Long. Nhìn từ bản đồ hành chính, Vũng Liêm được bao bọc bởi 2 dòng sông Cổ Chiên và Mang Thít, đồng thời giáp cả tỉnh Trà Vinh lẫn tỉnh Bến Tre. Thuộc vùng đồng bằng duyên hải với địa hình đồng bằng do phù sa bồi đắp, đất đai trù phú, Vũng Liêm có rất nhiều ưu đãi và điều kiện để phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Từ trồng lúa gạo truyền thống, đánh bắt thủy sản, canh tác vườn cây ăn trái... Chỉ cách thành phố Vĩnh Long 30km với đường xá thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông, Vũng Liêm còn có lợi thế lớn về giao thương cũng như phát triển du lịch.
Về lịch sử, văn hóa, Vũng Liêm là quê hương của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, xa xưa là nơi đầu tiên nổ ra Nam Kỳ khởi nghĩa ở tỉnh Vĩnh Long. Vũng Liêm có nhiều công trình kiến trúc độc đáo, có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng: Khu lưu niệm cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trong Quần thể di tích tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao, đình Bình Phụng với bia Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chùa Hạnh Phúc Tăng, di tích Hồ Vũng Linh, Khu lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết - thân mẫu danh thần Thoại Ngọc Hầu...
Dọc tỉnh lộ 902 từ thành phố Vĩnh Long đi bến phà Mang Thít sẽ đi qua hàng chục lò gạch có tuổi đời lên đến cả trăm năm. |
"Vương quốc lò gạch" cổ Mang Thít với hình ảnh các lò gạch soi bóng xuống dòng Cổ Chiên, đã từng một thời là một trong những biểu tượng, những hình ảnh du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Vĩnh Long. |
Qua bến phà Mang Thít là đã đến địa phận xã Quới An, vào đất Vũng Liêm. |
Gây ấn tượng mạnh đầu tiên với du khách là một màu xanh bất tận của những cánh đồng trồng dừa, cỏ lác. Vũng Liêm là vùng sản xuất lác chính cho ngành nghề dệt chiếu, và có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh Vĩnh Long. |
Không khó để có thể bắt gặp khung cảnh, mênh mông những cánh đồng, những ngôi nhà, mà phía trên bao phủ bởi những hàng dừa, bên dưới kín lối bạt ngàn cỏ lác. |
Là nguyên liệu chính để dệt chiếu và đan lát thủ công mỹ nghệ, cây lác vốn gốc chỉ là một giống cỏ dại thuộc họ cói, có khả năng chịu hạn, chịu mặn rất tốt. Ở vùng đất bị xâm nhập mặn nhiều như Vũng Liêm, trồng lác lại là phương án hữu hiệu nhất, đem lại nguồn thu kinh tế tốt nhất cho nông dân. |
Không ai ngờ từ một giống cỏ mọc hoang dại khắp các cánh đồng, đầm lầy, giờ cây lác lại biến thành ngành kinh tế chủ đạo của cả một vùng. Lác được trồng mỗi năm 3 vụ, sau khi trừ chi phí lãi gấp 4-5 lần trồng lúa, nên ban đầu diện tích lác chỉ khoảng vài chục ha, đến giờ đã lan ra toàn huyện, hiệu quả cao nên người dân ngày càng mạnh dạn bỏ cây lúa chuyển sang trồng cỏ lác. |
Lác ở Vũng Liêm là loại lác voi, thân mập, cọng dai cao đến 1,5m. Rất dễ trồng và không hề kén đất, chịu được xâm nhập mặn. Đặc biệt hơn cả chỉ cần trồng một lần, bón phân định kỳ đúng cách thì có thể thu hoạch liên tiếp đến cả chục năm. |
Đến mùa thu hoạch, đàn ông sẽ lo chuyện cắt lác, phụ nữ đảm trách việc phân loại, chẻ lác rồi đem phơi khô. Sau đó sẽ đem đến các hợp tác xã, các cơ sở dệt chiếu ở các xã Thanh Bình, xã Quới Thiện, Trung Thành Đông... |
Trên đường tỉnh huyết mạch xuyên Vũng Liêm, chạy dọc từ xã Quới An về thị trấn trung tâm Vũng Liêm, đi xã Trung Thành Đông, ngoài cỏ lác thì đâu đâu cũng là màu xanh của dừa. |
Trong đó riêng Vũng Liêm đã chiếm đến hơn 4.000ha, bằng gần một nửa tổng diện tích trồng dừa toàn tỉnh. |
Phổ biến là các giống dừa ta, dừa lửa, dừa Tam Quan, dừa sáp... |
Gần đây trồng thêm khá nhiều giống dừa lùn khác như dừa dứa, dừa xiêm... là những giống dừa thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Vũng Liêm. |
Đường vào làng xanh mát bóng dừa... |
Những ngôi nhà bình yên dưới những tán dừa, cũng chính là hình ảnh một làng quê Vũng Liêm điển hình, thanh bình và giản dị, đậm chất thôn quê đồng bằng sông Cửu Long. |