[Ảnh] Trai làng Triều Khúc múa "con đĩ đánh bồng" giữa lòng Thủ đô
NDO - Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo người dân tới tham dự. Điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội chính là màn trai giả gái đeo trống đánh bồng.
Chiều 30/1 (tức mùng 9 tháng Giêng), Lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội) được tổ chức trở lại sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mở đầu Lễ hội là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như: lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch, tế lễ,…
Nghi lễ rước kiệu Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng về đình làng diễn ra long trọng trong sự thành kính của người dân làng Triều Khúc.
Điểm nhấn của Lễ hội nằm ở màn múa “con đĩ đánh bồng” của các chàng trai giả gái.
Tích xưa kể rằng, để khích lệ tinh thần tướng sĩ, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã cho binh lính đóng giả làm gái, đeo trống múa bồng, khi ông tập kết quân sĩ tại làng Triều Khúc để vây đánh quân nhà Đường vào khoảng thế kỷ thứ 8. Từ đó, để tưởng nhớ công ơn của ông, cứ đến mùa xuân, dân làng lại tổ chức lễ rước Thành Hoàng, trong đó không thể thiếu điệu múa "con đĩ đánh bồng".
Các chàng trai làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong bộ quần áo mớ ba mớ bảy, má phấn môi son múa điệu “con đĩ đánh bồng” cuốn hút người xem.
Điệu múa đánh bồng phóng khoáng, dứt khoát, mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Họ cùng nhau nhảy múa trong sự reo hò của những người dân xem hội,
“Con đĩ đánh bồng” là 1 trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long.
Mắt lúng liếng, miệng cười xinh trong những bước nhảy linh hoạt, họ thướt tha hòa cùng nhịp trống dồn dập khiến người xem thích thú.
Tất cả các "con đĩ" được tuyển chọn tham gia điệu múa phải là trai chưa vợ, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, con nhà gia giáo.
Vẻ đẹp của điệu múa “Con đĩ đánh bồng” được giới nhiếp ảnh đặc biệt quan tâm.
Nhiều du khách từ khắp nơi đổ về xem điệu múa độc đáo này.
Đông đảo người dân làng Triều Khúc và khách thập phương về dự hội. Không ai đứng trên tầng cao, tất cả đều đứng thấp hơn kiệu để tỏ lòng thành kính.
Các cụ già, những chàng trai, cô gái làng ăn mặc đẹp theo đúng nghi thức hội lễ: quần lụa, áo the, áo gấm, hài thêu hoa văn cầu kì, rực rỡ, ai nấy đều vui vẻ tham dự lễ hội.
Lễ hội nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng.