Theo ghi nhận từ thực tế, thời điểm hiện tại, trên toàn thành phố Hà Nội hiện có rất nhiều hoạt động chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình đang được triển khai.
Tại ngã tư giao giữa phố Cát Linh và phố An Trạch, Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, mặt đường khu vực này bị cào xới và để chờ thi công trong nhiều ngày khiến các lớp cát, nhựa đường theo nhau bay mù mịt.
Chị Lan Hương, sống tại quận Đống Đa, di chuyển qua con phố này cho biết: "Đây là tuyến đường đi lại hằng ngày của mình. Những ngày qua con đường này đã trong tình trạng bị xới lên mà chưa biết khi nào xong. Việc này khiến cho mọi người bị ảnh hưởng khi lưu thông bởi bụi và mặt đường nhiều đá dăm khiến xe đi không vững".
Đá dăm, nhựa đường, cát, sỏi vụn... dưới sự "giày xéo" của lốp xe bay lên không trung. Không chỉ phải đeo khẩu trang, người dân còn khổ sở khi mắt cũng mờ mịt vì bụi.
Anh Hoàng Hải, trú tại quận Tây Hồ chia sẻ, tuyến đường này năm nào cũng diễn ra như vậy, mặc dù theo cá nhân anh, đường chưa quá xuống cấp tuy nhiên vẫn bị đào lên khiến việc đi lại rất ảnh hưởng.
Việc tiến hành các hoạt động như đào đường, thay đá vỉa hè... theo dạng thường niên này trên diện rộng, cùng nhiều nguyên nhân khác đã cộng hưởng và khiến cho chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội thời gian qua bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.
Về ban đêm, có thể dễ dàng ghi nhận nhiều địa điểm, hoạt động góp phần khiến cho con số về chất lượng không khí tại Thủ đô trở nên xấu hơn.
Hình ảnh tại dự án mở rộng đường Âu Cơ, quận Tây Hồ. Khu vực này hiện đang chờ để tiếp tục thi công. Tuy nhiên, không có các biện pháp che chắn vật liệu khiến đất và bụi bay dày đặc khi có xe di chuyển qua.
Tình trạng ô nhiễm không khí hiện tại cũng ảnh hưởng một phần bởi thời tiết. Thành phố Hà Nội chuyển sang mùa đông nên thời tiết ít mưa, không khí ô nhiễm nặng do khói bụi, khí thải không thể thoát đi.
Từ góc độ y tế, tình trạng này sẽ là nguyên nhân chính, cùng với các yếu tố khác ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sức khỏe, khiến số người mắc bệnh hô hấp gia tăng.
Hiện tại, đường Âu Cơ vẫn đang bị "chia nhỏ", khiến vấn đề lưu thông bị ảnh hưởng. Việc đào sâu và không có các rào an toàn cũng gây nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Cát, đá đổ trực tiếp xuống đường và không có biện pháp rào chắn.
Mặt đường bị chia cắt tại khu vực vườn hoa Lê Trực, quận Ba Đình. Những đường "cắt" giữa khu vực đang cải tạo và mặt đường cũ như thế này cũng khiến cho việc di chuyển qua đây trở nên khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Khu vực hồ Trúc Bạch hiện đang lát đá vỉa hè. Các vật liệu, phương tiện thi công ngổn ngang và không được che chắn.
Theo thống kê của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), hơn một tháng trở lại đây, thành phố Hà Nội chỉ có... 1 ngày mà chất lượng không khí ở mức an toàn (ngày 13/11); còn lại tất cả các ngày khác đều ở mức trung bình, kém; thậm chí đa phần ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe.
Nhiều thời điểm, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội nằm ở nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng, đứng số 1 thế giới.
Theo bản đồ chất lượng không khí, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 34,5 lần giá trị về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Như vậy người dân sinh sống tại thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng bởi bụi mịn gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO.
Và việc các hoạt động thi công, xây dựng công trình không bảo đảm các biện pháp an toàn như thế này cũng đóng góp vào những con số như trên.
Hoạt động thi công tại đường Cát Linh, quận Đống Đa. |
Trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam), được biết, thành phố Hà Nội vẫn thường xảy ra vấn đề ô nhiễm không khí trong thời gian cuối năm. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm đó là từ hoạt động giao thông, xây dựng và hoạt động dân sinh…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.