An Giang phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch

NDO- Ngày 16/12, UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn nhạc truyền thống dân tộc Khmer tại An Giang.
Biểu diễn nhạc truyền thống dân tộc Khmer tại An Giang.

Kế hoạch được thực hiện trên phạm vi tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số và các huyện miền núi trên địa bàn toàn tỉnh An Giang. Tỉnh hiện có hơn 2,1 triệu người, gồm 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm và có 25 dân tộc thiểu số khác sinh sống rải rác trên địa bàn.

Mục đích của đề án nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc, góp phần quan trọng hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Đồng thời, đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số vào du lịch để duy trì và bảo tồn các giá trị văn hoá của các dân tộc trong toàn tỉnh; đa dạng hóa các hoạt động trong khai thác du lịch tại địa phương, nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động du lịch; huy động sự tham gia của cộng đồng và mọi nguồn lực xã hội đầu tư và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học dân gian, lễ hội truyền thống…, kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như: du lịch, giáo dục, an ninh, thông tin truyền thông, môi trường....

Các nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền quảng bá giá trị các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một...

Lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu tại điểm, khu du lịch cộng đồng và trong các dịp tết, lễ, hội truyền thống nhằm giao lưu, trình diễn, tạo môi trường thực hành và trao truyền các loại hình di sản văn hóa, các loại hình dân ca, dân vũ,… tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…

Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với việc bảo tồn, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình.

Nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá thông qua các hội thi, hội diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống và tại các sự kiện văn hóa du lịch qui mô vùng, miền, toàn quốc và phối hợp với các công ty, hãng lữ hành trong công tác xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch gắn với những địa phương có loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số có giá trị, để tiếp cận các thị trường khách du lịch…